Bùi Xuân Phái là một trong những họa sỹ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên. Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Ông vẽ trên vải, giấy, bảng gỗ, thậm chí cả trên giấy báo, bao thuốc lá và sử dụng nhiều phương tiện hội họa khác nhau như sơn dầu, màu nước, phấn mầu, chì than, bút chì...
Trong tâm thức của người nghệ sĩ, quê hương luôn là một "mảnh tình riêng". Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Bùi Xuân Phái đã vẽ về phố cổ với tất cả tình yêu quê hương của mình. Bàn tay tài hoa của ông đã tạo tác hàng trăm bức vẽ khác nhau về phố cổ Hà Nội. Dân gian Hà Nội vẫn đùa nhau rằng, những bức tranh phố cổ của ông đủ để dựng lên một thành phố thật. Và cũng không biết từ bao giờ, người ta cũng gọi phố cổ trong tranh của ông là "Phố Phái". Người dân Hà Nội cũng lại đùa nhau rằng, Hà Nội phải có 37 phố chứ không phải là 36 phố như câu ca dân gian vẫn truyền tụng, và con phố thứ 37 ấy chính là ..."Phố Phái".
"Phố Phái" nổi tiếng với các tác phẩm: Phố cổ Hà Nội (Sơn dầu, 1972), Hà Nội kháng chiến (Sơn dầu, 1966), Xe bò trong phố cổ (Sơn dầu, 1972), Phố vắng (Sơn dầu, 1981)...
Tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những thập niên 50-60-70 thế kỷ XX. Các mảng màu trong tranh Bùi Xuân Phái thường có đường viền đậm nét, phố không những trở thành chính nó mà còn gần hơn với con người, từ bề mặt đến cảnh quan đều có chiều sâu bên trong. Ngắm tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái, người xem nhận thấy họa sỹ đã gửi gắm những kỷ niệm, những hoài cảm cùng nỗi buồn man mác, tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ, như điềm báo về sự đổi thay và biến mất của từng mái nhà, từng con người mang hồn phách xưa cũ.
"Phố Phái" trong tranh Bùi Xuân Phái là phố mà dường như cũng không phải phố. Phố cổ Hà Nội không ồn ào, sầm uất mà lặng lẽ và lâu bền, giản dị và thân thiết. Đó chỉ là những ngôi nhà cũ kỹ với mái ngói rêu phong, một vài gánh hàng rong, một gánh hàng nước quạnh hiu... gợi lên nhiều xúc cảm thân quen.
Tranh phố cổ Bùi Xuân Phái dù có xuất hiện con người hay không đều có một không gian đặc biệt. Không gian ấy có khi tĩnh lặng cùng thời gian, có khi lại như đang chuyển động. Từng góc phố, từng hàng cây tưởng như rất đỗi quen thuộc mà vẫn lạ lẫm, xa vời. Cảnh vật phố cổ Hà Nội tưởng như có thể hiện hữu ngay đấy, nhưng cũng lại có thể thuộc về một thế giới khác - thế giới tâm hồn Bùi Xuân Phái. "Phố Phái" hiện lên thực mà hư, hư mà thực, đa cách nhìn, nhiều cảm xúc. Dường như Bùi Xuân Phái muối níu giữ thời gian, níu giữ những giá trị đẹp đẽ mà với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sỹ ông biết chắc rằng một ngày nào đó sẽ phôi pha.
Bùi Xuân Phái vẽ về phố cổ Hà Nội tự nhiên như sống và thở. Tâm hồn ông gắn với phố cổ và sự nghiệp của ông cũng gắn liền với phố cổ. Phố cổ Hà Nội là nguồn cảm hứng đặc biệt của Bùi Xuân Phái. Ông vẽ về phố cổ như đang kể chuyện về cuộc đời mình. Chính bởi vậy, phố cổ Hà Nội là cái gạch nối giữa hội họa và tình yêu quê hương trong con người Bùi Xuân Phái.
Bùi Xuân Phái (1920-1988), quê gốc ở làng Kim Hoàng (nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ông tốt nghiệp khoa Hội họa, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941-1946 Ông vẽ nhiều tranh phố cổ Hà Nội và tham dự triển lãm ở nhiều nơi. Năm 1952, ông trở về Thủ đô sống tại ngôi nhà số 87 phố Thuốc Bắc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho đến khi mất.
Cố họa sĩ Bùi Xuân Phái được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn họa nghệ thuật đợt I (1996). Năm 2010, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội đã đặt tên Bùi Xuân Phái cho một phố ở huyện Từ Liêm, nay thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội)