Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Bố trí vốn thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg: Chờ đến bao giờ?

PV - 09:14, 08/06/2018

Chỉ còn hơn 2 năm nữa, thời hiệu thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg sẽ hết hiệu lực. Nhưng đến thời điểm này, các địa phương chưa thể triển khai do chưa được bố trí vốn.

Các địa phương “khát vốn”

Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg (gọi tắt là chính sách theo QĐ 2085) được xây dựng theo hướng tích hợp. Theo đó, các địa phương sẽ triển khai hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, bố trí sắp xếp ổn định dân cư và hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, bản ĐBKK.

Theo ông Bùi Văn Lịch, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Ủy ban Dân tộc), để đáp ứng nhu cầu thực tế và nguyện vọng của cử tri về lồng ghép các chương trình, chính sách liên quan đến dân tộc, vùng DTTS và miền núi thành chủ trương lớn nhằm tập trung nguồn lực, thực hiện có hiệu quả, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách theo QĐ 2085. Chính sách được xây dựng trên cơ sở lồng ghép các chính sách theo các Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg, Quyết định số 755/QĐ-TTg, Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg,…

baodantoc_ngan_sach

 

“Cùng với chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc rất ít người giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 2086/QĐ-TTg thì chính sách theo QĐ 2085 là hai chính sách lớn đang có hiệu lực thực hiện. Sau năm 2020, chúng ta sẽ xây dựng chính sách theo định hướng mới. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có vốn để thực hiện chính sách theo QĐ 2085, trong khi thời hiệu thực hiện đã gần hết”, ông Lịch cho biết.

Chia sẻ của ông Lịch cũng là trăn trở của chính quyền các địa phương thụ hưởng chính sách theo QĐ 2085. Đến thời điểm này, các địa phương đã phê duyệt đề án thực hiện nhưng vẫn phải ngồi chờ… vốn!

Như tỉnh Sơn La, ngày 11/9/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2411/QĐ-UBND phê duyệt đề án thực hiện chính sách theo QĐ 2085 trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả rà soát, toàn tỉnh hiện có 1.646 hộ cần hỗ trợ đất ở, 19.909 hộ cần đất sản xuất (trong đó có 15.827 hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề), 20.044 hộ cần hỗ trợ nước sinh hoạt, 19.909 hộ có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi,…

Theo bà Trịnh Thị Oanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, tổng nhu cầu vốn để thực hiện các nội dung hỗ trợ trên là 929,183 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 209,104 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam 716,523 tỷ đồng; ngân sách địa phương đối ứng 3,556 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm này, không chỉ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ mà vốn vay Ngân hàng CSXH cũng chưa thể triển khai.

Sốt ruột vì chờ đợi, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã “thúc” cấp trên triển khai chính sách, nhất là việc cho vay tín dụng từ Ngân hàng CSXH. Mới đây, ngày 17/4/2018, UBND huyện Mường La đã có Công văn 1014/UBND-DT gửi lãnh đạo tỉnh xin ý kiến cho vay theo Quyết định 2085. Dù trước đó, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã có Quyết định 657/QĐ-NHCS ngày 09/2/2018 về việc triển khai cho vay trong toàn hệ thống.

Điệp khúc “bắc nước chờ gạo”

Không riêng gì Sơn La mà các địa phương thụ hưởng chính sách theo QĐ 2085 hiện cũng rất “khát” vốn. Theo ông Bùi Văn Lịch, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Ủy ban Dân tộc), thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg, trong 4 năm từ 2017-2020, vốn vay tín dụng chính sách để thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, phát triển kinh doanh nhu cầu trên 12.000 tỷ đồng. Như vậy bình quân mỗi năm phải giải ngân 3.000 tỷ đồng.

“Nhưng từ 2017 đến nay mới bố trí được 1/10 vốn. Hy vọng đến cuối năm sẽ có điều chỉnh”, ông Lịch chia sẻ.

Tại buổi Tọa đàm “Vốn cho đồng bào DTTS-Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo miền núi và đồng bằng” được tổ chức ngày 24/4 vừa qua, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành chia sẻ rằng, chỉ 3.000 tỷ đồng là một con số rất nhỏ so với nhu cầu thực tế của người dân. Ngay cả việc cho vay tín dụng, Quyết định 2085/QĐ-TTg ban hành từ 2016 nhưng đến nay mới dư nợ được 16 tỷ đồng. Đây là những vấn đề mà chúng ta cần xem xét điều chỉnh trong giai đoạn tới.

Thực tế, không chỉ riêng chính sách theo QĐ 2085 mà hầu hết các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi thời gian qua thường lâm vào tình cảnh chậm vốn, thiếu vốn thực hiện. Dẫn chứng ngay một nội dung mang tính kế thừa trong QĐ 2085 là chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn/bản ĐBKK theo Quyết định 755/QĐ-TTg cũng vậy. Có hiệu lực đến hết năm 2015, sau đó được “cơi nới” thời gian thực hiện hết năm 2016, nhưng cuối cùng vẫn chỉ bố trí được 20,8% tổng nhu cầu vốn.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, bố trí vốn cho các chính sách, chương trình, dự án cho vùng DTTS và miền núi (chính sách dân tộc) hiện chưa thể hiện rõ được tính ưu tiên, không chủ động về kinh phí, chưa bảo đảm cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt. Những chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý thường được bố trí nguồn lực đáp ứng khoảng 50% tổng kinh phí theo kế hoạch. Thậm chí, nhiều chính sách chỉ mới bố trí được 10% tổng kinh phí dự kiến. Điều này đã gây ra không ít vướng mắc, bất cập cho địa phương trong quá trình triển khai.

Rõ ràng, tình trạng “bắc nước chờ gạo” trong việc thực hiện các chính sách dân tộc đã không còn là một hiện tượng cá biệt. Đây có thể là nguyên nhân của nguyên nhân những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện các chương trình, dự án, đề án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi thời gian qua. Để xây dựng chính sách dân tộc cho giai đoạn mới, trước mắt cần có một chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc để “bắt mạch” các bất cập, nhất là việc bố trí vốn thực hiện.

SỸ HÀO