Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bí quyết làm giàu của nông dân Thiều Văn Hải

PV - 10:02, 08/10/2018

Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi, nghiên cứu ứng dụng khoa học-kỹ thuật và thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp mà mỗi năm, nông dân Thiều Văn Hải, dân tộc Hoa, ngụ tại ấp Trường Thắng, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đã thu về tiền tỷ từ cây lúa.

Thiều Văn Hải Ngoài sản xuất lúa, anh Hải (người bên phải) còn tận dụng vườn trồng cây ăn trái, ao nuôi cá để gia tăng thu nhập.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật

Trước đây, người dân Việt Nam quan niệm “nhất nước nhì phân, tam cần tứ giống”. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển tư duy sản xuất hiện nay, điều quan trọng nhất để thúc đẩy nền nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, chính là yếu tố khoa học kỹ thuật.

Từ nhận thức này, nên từ ngày đầu lập nghiệp, anh nông dân người Hoa Thiều Văn Hải luôn tìm kiếm cơ hội, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, các hội thảo về cây lúa do các cấp, tổ chức hội, đoàn thể tổ chức…

Anh Hải chia sẻ: Từ kiến thức do các tổ chức chuyển giao, anh đã chắt lọc lại những ứng dụng khoa học kỹ thuật phù hợp với diện tích, đồng ruộng của mình để áp dụng. Trước tiên, anh thử nghiệm từ 1,5ha đất cha mẹ dành cho anh khi bắt đầu

khởi nghiệp.

Làm lụng vất vả để có mảnh đất nên vợ chồng anh Hải trân trọng từng mùa vụ. Ngoài ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, thì anh còn nghiên cứu đặc điểm từng giống lúa, thời tiết từng mùa vụ, giá cả thị trường… để mỗi mùa vụ gia đình anh trồng đều trúng mùa, lúa chất lượng và giá thành cao.

Khi đã nắm vững về khoa học kỹ thuật, anh mướn thêm đất canh tác. Đến năm 1995, tích cóp được một khoản tiền, anh Hải vay thêm vốn từ ngân hàng chính sách đầu tư mua thêm đất. Đến nay, tổng số đất sản xuất của gia đình anh đã có tới 6,6ha đất ruộng và hơn 1,5ha vườn. Với một số mô hình sản xuất hiệu quả như: Mô hình sinh thái (ruộng trồng lúa, bờ trồng hoa) cấy nấm vi sinh, áp dụng “1 phải 5 giảm” hoặc mô hình “3 giảm 3 tăng”… để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí đầu vào, hạt lúa sạch đủ điều kiện xuất khẩu.

Liên kết sản xuất

Theo nông dân Thiều Văn Hải, để nâng cao giá giá trị nông sản, người dân cần phải quan tâm tới vấn đề liên kết sản xuất theo quy trình khép tín từ đầu vào đến đầu ra. Bí quyết làm giàu được từ cây lúa của anh thời gian qua, nhờ phần lớn từ sản xuất lúa giống theo hợp đồng bao tiêu với các công ty, chứ không chỉ mỗi sản xuất lúa hàng hóa. Bởi giá lúa giống cao hơn giá lúa hàng hóa từ 1.000- 1.500 đồng/kg.

“ Sản xuất lúa liên kết với công ty, người trồng lúa rất yên tâm đầu ra vì biết trước giá cả. Để giảm chi phí đầu vào, tôi tự làm lúa giống để phục vụ cho việc sản xuất của mình, bà con xung quanh thấy làm lúa trúng, xin chia lại lúa giống để trồng và ai cũng trúng mùa. Từ đó, tôi vận động bà con liên kết với nhau thành lập hợp tác xã (HTX) nông nghiệp”, anh Hải cho biết.

Theo đó, năm 2012, HTX Hải Thành được thành lập, với 20 thành viên. Anh Thiều Văn Hải được bà con tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX Hải Thành. Ngoài sản xuất lúa thương phẩm, anh Hải quy hoạch 4ha đất ruộng của HTX (trong đó, anh có 3ha) để sản xuất lúa giống, nhằm đảm bảo nguồn giống chất lượng, giảm được chi phí cho các xã viên và cung ứng lúa giống theo đơn hợp đồng của công ty.

Từ khi thành lập, HTX chủ động đưa công nghệ máy móc, khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, đã giúp cho xã viên tiết kiệm phân bón được khoảng 400.000 đồng/vụ/công; tiết kiệm được 50% lúa giống từ việc đưa máy sạ hàng vào phục vụ sản xuất.

Với 6,6ha đất sản xuất lúa của gia đình, nhiều năm liền, anh Hải thu về mỗi năm khoảng 500 triệu đồng (sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng). Ngoài ra, anh Hải còn tăng gia sản xuất bằng cách tận dụng các bờ bao ruộng, diện tích vườn tạp để trồng màu, nuôi gà, vịt, mỗi năm thu thêm khoảng vài chục triệu đồng.

Riêng 3 năm trở lại đây, nhờ ký hợp đồng sản xuất thêm lúa giống cho các công ty và cung ứng thuốc bảo vệ thực vật cho xã viên, mà mỗi năm, gia đình anh có thu nhập gần 2 tỷ đồng (trừ chi phí còn lợi nhuận trên 1 tỷ đồng).

Ông Trần Quốc Trung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành A, cho biết: Ở địa phương, anh Thiều Văn Hải là một tấm gương nông dân DTTS tiêu biểu, cần cù chịu khó lao động, đổi mới tư duy trong liên kết sản xuất, tạo sự an toàn, hiệu quả trong làm ăn.

Những năm qua, nông dân Thiều Văn Hải nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp trong tỉnh Hậu Giang. Năm 2013, anh Thiều Văn Hải vinh dự Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2018, anh được bình chọn là một trong 63 điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc.

NHƯ TÂM

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.