Nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa; làng bản, khu phố văn hóa. Bên cạnh những thành tựu đạt được, dư luận và các nhà quản lý văn hóa đánh giá: chất lượng gia đình văn hóa, làng bản, khu phố văn hóa tại nhiều địa phương vẫn chưa đảm bảo thực chất.
Những danh hiệu trên giấyTheo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, năm 2011, cả nước có 73% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 44% thôn, bản, ấp đạt danh hiệu làng văn hóa, thì đến năm 2016, tỷ lệ này tăng lên 85% gia đình văn hóa và trên 68% làng văn hóa. Cuối năm 2017, cả nước có 17,8 triệu hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa (tỷ lệ 90%); 57.727 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (tỷ lệ 71%)... Theo đà này thì chỉ đến năm 2020, tỷ lệ gia đình văn hóa trong toàn quốc sẽ đạt mốc 100%. Khi đó nước ta sẽ chính thức phổ cập danh hiệu văn hóa tới tất cả các gia đình.
Ngay tại Thủ đô Hà Nội, qua công tác kiểm tra của Thành ủy Hà Nội tại một số quận, huyện, sở, ngành vừa qua cho thấy, 100% địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu xây dựng danh hiệu văn hóa. Trong đó, quận Thanh Xuân có tới 93% gia đình văn hóa, 100% tổ dân phố văn hóa; huyện Quốc Oai có hơn 87% gia đình văn hóa, gần 98% làng văn hóa…Thế nhưng đối lập với con số danh hiệu văn hóa ấy là tình trạng văn hóa xã hội ngày càng xuống cấp và diễn biến phức tạp.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Ngô Văn Quý nhận định: “Chúng ta cần nhìn lại vấn đề vì sao các mô hình văn hóa luôn đạt chất lượng cao, nhưng những hành vi phản cảm như: nói tục, chửi bậy; tiểu tiện, xả rác bừa bãi… vẫn còn nhiều. Điều này đặt ra câu hỏi: liệu việc bình bầu, xét tặng danh hiệu đã bảo đảm công khai, dân chủ, không chạy theo thành tích chưa? Trong kết quả bình bầu, lượng đã đi đôi với chất?”.
Tương tự, tại tỉnh Hòa Bình có 160.364 hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa (đạt 77%); 1.410 làng, bản, tổ dân phố văn hóa (đạt 68,2%). Tuy các chỉ tiêu văn hóa đạt cao, song theo đánh giá của ông Ngô Văn Lý, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình), chất lượng của phong trào tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo; việc thực hiện nếp sống văn hóa còn hạn chế, bất cập...
Tìm “thuốc ” chữa bệnh thành tíchĐể xảy ra tình trạng trên Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, việc bình xét danh hiệu trên ở một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc theo đúng trình tự, thủ tục tại Thông tư số 12/2011; thiếu công khai, dân chủ trong quá trình xét duyệt và vẫn còn tình trạng nể nang, xuề xòa trong việc bình bầu. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, thôn văn hóa, làng văn hóa, ấp văn hóa, ban văn hóa, tổ dân phố văn hóa và các danh hiệu tương đương… vẫn còn rối rắm, phức tạp dẫn đến tình trạng mỗi địa phương làm một cách.
Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa trong giai đoạn hiện nay” do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, PGS Bùi Xuân Ðính, Viện Dân tộc học Việt Nam cho rằng, muốn danh hiệu “văn hóa” được thực chất thì phải đoạn tuyệt với tư tưởng bình quân chủ nghĩa. Trong một cộng đồng dân cư chỉ nên bình xét, trao danh hiệu cho một số gia đình thực sự ưu tú, xuất sắc để tôn vinh khen thưởng thì sẽ có giá trị hơn tất cả các hộ đều được công nhận “gia đình văn hóa”.
Mới đây, Cục Văn hóa cơ sở đã tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa nhằm xây dựng bộ tiêu chí mới trong việc xét hai danh hiệu này, từng bước khắc phục căn bệnh thành tích văn hóa. Dự thảo gồm 4 chương 18 điều, tập trung chủ yếu vào các nhóm tiêu chí để xét danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Trong đó nêu cụ thể các tiêu chí bắt buộc, tiêu chí khuyến khích để cộng điểm hay tiêu chí bị điểm liệt... Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ xây dựng các mức thang điểm cho phù hợp với thang điểm chung. Nếu đạt 90/100 điểm sẽ được đề nghị xét tặng danh hiệu “văn hóa”. Hy vọng đây sẽ là liều thuốc để chữa bệnh thành tích trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Chúng ta cần nhìn lại vấn đề vì sao các mô hình văn hóa luôn đạt chất lượng cao, nhưng những hành vi phản cảm như: nói tục, chửi bậy; tiểu tiện, xả rác bừa bãi… vẫn còn nhiều. Điều này đặt ra câu hỏi: liệu việc bình bầu, xét tặng danh hiệu đã bảo đảm công khai, dân chủ, không chạy theo thành tích chưa? Trong kết quả bình bầu, lượng đã đi đôi với chất?”Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ,
Ngô Văn Quý
NGỌC ÁNH