Tham gia Liên hoan lần này có 78 đoàn với 1300 võ sư, võ sinh, 16 đoàn võ thuật đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, 29 đoàn võ thuật thuộc các tỉnh, thành trong cả nước và 33 đoàn trong tỉnh. Có thể nói rằng, đến giờ phút này, Liên hoan Quốc tế Võ thuật cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Định 2023 đã thành công tốt đẹp cả về quy mô tổ chức, chất lượng chuyên môn, phát huy tinh thần thượng võ, tăng cường mối quan hệ giao lưu giữa các võ đường Võ cổ truyền Việt nam trên thế giới và trong nước.
Theo Ban tổ chức, chuỗi sự kiện chính của liên hoan là lễ dâng hương - dâng hoa tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung và đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (thuộc Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn, Bình Định). Tiếp đó, chương trình giao lưu võ thuật kết hợp tham quan giữa các đoàn võ thuật trong, ngoài nước và đại diện các lò võ tiêu biểu trong tỉnh Bình Định diễn ra ngày 3.8 tại huyện Tây Sơn (đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng); huyện Tuy Phước (CLB võ thuật Chùa Long Phước); huyện Phù Cát (Thiền viện Thiên Hưng – Cát Tiến) và thị xã An Nhơn (Chùa Thiên Hưng).
Chương trình giao lưu tập trung giữa các đoàn võ thuật trong, ngoài nước tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn (diễn ra ngày 4.8) và Hội thảo bàn về “Các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030” diễn ra trong từ ngày 3 - 4.8 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định (TP Quy Nhơn).
Một nội dung khác đáng quan tâm là chương trình biểu diễn, giao lưu của các đoàn võ thuật quốc tế và trong nước tại 5 địa điểm nổi tiếng là chùa Long Phước (huyện Tuy Phước), chùa Thiên Hưng (thị xã An Nhơn), Thiền viện Thiên Hưng (huyện Phù Cát), đền thờ Đại Tư Đồ Võ Văn Dũng (huyện Tây Sơn) và Quảng trường Nguyễn Tất Thành (thành phố Quy Nhơn). Các đoàn đã giới thiệu những nét đặc sắc, tinh hoa của từng môn phái võ như: Quyền - binh khí cá nhân và tập thể; đối luyện, các tiết mục nội công, khí công, dưỡng sinh…khiến đông đảo người xem mãn nhãn.
So với 7 kỳ Liên hoan tổ chức trước đây, kỳ Liên hoan lần này chất lượng hơn hẳn. Các đoàn đã có sự chuẩn bị rất công phu, điêu luyện; các cá nhân có sự trau chuốc trong từng động tác làm nên nét đẹp đặc trưng của võ thuật, không pha trộn với các môn nghệ thuật khác. Điều đó càng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.
Tại lễ bế mạc, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Bình Định cho biết: Sự thành công của Liên hoan là nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định, sự phối hợp của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, sự giúp đỡ của các ngành trung ương và địa phương. Ngoài ra cũng nhờ sự động viên về vật chất lẫn tinh thần của các nhà tài trợ và sự làm việc năng nổ với tinh thần trách nhiệm cao của Ban tổ chức Liên hoan và các tình nguyện viên… nhất là sự hưởng ứng nhiệt tình của các đoàn quốc tế và trong nước.
“Cuộc hội ngộ nào rồi cũng kết thúc, lưu luyến chia tay và hẹn gặp nhau tại Liên hoan lần thứ IX. Trong dịp này, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến Bộ VHTDL, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, các cơ quan, ban ngành trung ương và các địa phương đã về dự Liên hoan. Xin trân trọng cảm ơn sự đóng góp của các vị võ sư, võ sinh, HLV Võ cổ truyền Việt Nam đến từ các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, cùng với các tỉnh, thành, ngành trong cả nước. Tất cả đã làm nên sự thành công của Liên hoan lần này”, ông Chánh bày tỏ.
Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức cũng tiến hành trao kỷ niệm chương cho các đoàn có nhiều tiết mục đặc sắc và đã chọn ra những tiết mục xuất sắc của các đoàn để công diễn trong buổi bế mạc Liên hoan.