Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

“Báu vật” của Tam Đình

Việt Thắng - Y Nguyên - 20:25, 22/12/2020

Hàng trăm năm nay, khu rừng săng lẻ nằm sát ngay Quốc lộ 7A ấy vẫn vẹn nguyên, không hề bị vi sơ. Đối với người dân xã Tam Đình, huyện Tương Dương ( Nghệ An), khu rừng được coi là báu vật.

Khu rừng là điểm chek in lí tưởng của du khách
Khu rừng là điểm chek in lí tưởng của du khách

Ngỡ ngàng khu rừng săng lẻ

Có lẽ rừng săng lẻ ở xã Tam Đình là một trong rất ít khu rừng dọc Quốc lộ còn vẹn nguyên như vậy. Với những búa rìu của lâm tặc, sự tàn phá của con người, nhiều khu rừng đã trở nên trơ trụi. Ấy thế mà, rừng săng lẻ Tam Đình, sát ngay quốc lộ vẫn hiên ngang, thơ mộng đến ngỡ ngàng.

Vượt gần 200 km từ thành phố Vinh, đi qua huyện lị Tương Dương chừng 15 km là đến khu rừng “kỳ lạ” ấy. Khó có ai qua đây mà không dừng chân để ngắm nghía vẻ đẹp nên thơ của khu rừng này. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là điểm chek in lí tưởng. 

Và, cũng không ít người tỏ ra ngạc nhiên: Đến một cành cây cũng không bị phá! Những cây săng lẻ thẳng tắp, hiên ngang chọc trời. Những tia nắng ban mai xuyên qua tán lá dần xua đi lớp sương mờ ảo, cả khu rừng trở nên lung linh. 

Với những người có khả năng hội hoạ, thì khu rừng này là cảm hứng để bức tranh thiên nhiên thơ mộng hiện dần ra dưới nét cọ. Vào sâu thêm chừng 100 mét, lặng yên lắng nghe tiếng côn trùng rả rích, cảm giác như đang ở một nào đó thật huyền bí. 

Vào mùa hè, ở cái “chảo lửa” Tương Dương nóng trên 41 độ C này thật là khó chịu. Nhưng chỉ cần đi qua khu rừng săng lẻ, không ai còn nhận ra ngoài kia đang “bỏng rát gió Lào”. Thế nên có người ví, khu rừng là cái máy lạnh khổng lồ, giữ mát cho bà con Tam Đình. Thế nên, bà con mới coi khu rừng săng lẻ là báu vật của Tam Đình.

Ông Võ Sỹ Lâm, Hạt trưởng Kiểm lâm Tương Dương cho biết: “Săng lẻ thuộc họ bằng lăng, gỗ nhóm 5. Gỗ săng lẻ thường dùng để đóng thuyền hoặc làm nhà. Săng lẻ phân bố rộng ở huyện Tương Dương và nhiều vùng khác của Nghệ An, nhưng đến nay đã bị khai thác hết và duy nhất chỉ còn tập trung ở khu rừng này. Săng lẻ phát triển chậm, những thân cây ở khu rừng này cho thấy, nó đã tồn tại hàng trăm năm nay. Điều kỳ thú và gây ngạc nhiên của khu rừng là dù nằm sát bên quốc lộ, rất thuận lợi cho lâm tặc nhưng nó vẫn không hề bị xâm hại”

“Vị thần” giữ rừng

Cụ Vi Chính Nghĩa đã qua đời từ năm 2015, nhưng câu chuyện giữ rừng của cụ luôn được bà con nhắc nhớ, họ coi cụ như một “vị thần” giữ rừng. Cụ Nghĩa nguyên là Bí thư Huyện uỷ Tương Dương, nguyên Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An. Tài sản của cụ để lại cho đời là khu rừng săng lẻ, và để lại cho gia đình là một căn nhà lá dưới tán săng lẻ thơ mộng ở bản Quang Thịnh. 

Chuyện kể rằng: Năm 1964, Lâm trường Tương Dương xin tỉnh cho khai thác rừng săng lẻ, cụ Nghĩa lúc bấy giờ là Bí thư Huyện ủy Tương Dương thấy khu rừng đẹp, có giá trị nên lập tức xuống tỉnh xin giữ lại 100ha và được tỉnh đồng ý. Thấy cụ nặng lòng với khu rừng, dân bản nghe theo cụ, đồng lòng bảo vệ rừng. Thực ra, lâm tặc cũng đã bao phen dòm ngó, nhưng theo lời cụ Nghĩa, bà con đã đẩy đuổi nhiều phen làm cho bọn chúng chùng tay. 

Năm 1992, cụ Nghĩa được nghỉ hưu. Mong ước duy nhất của cụ là xin một đám đất trong khu rừng này để dựng nhà, với mục đích ngày đêm canh giữ rừng. Kể từ đó, khu rừng được cụ coi như máu thịt của chính mình. Cũng kể từ đó, môt cành cây, ngọn cỏ thuộc rừng săng lẻ không hề bị chặt phá. 

Bà Lương Thị Sâm, vợ cụ Nghĩa, nói: “Ông ấy yêu khu rừng này hơn cả vợ, không cho bất cứ ai xâm phạm. Hễ nghe báo có người mang dao vào rừng là ông lại lập tức lên đường, bảo vệ cây đến cùng”.

Không chỉ bảo vệ rừng, cụ Nghĩa luôn nói với bà con về ích lợi, về trách nhiệm bảo vệ rừng, nhất là đối với lớp trẻ. Vì thế mà đã có nhiều người trẻ theo gương cụ, tham gia bảo vệ “báu vật”. Trong rất nhiều người đồng lòng bảo vệ rừng, cụ đã chọn mặt gửi… rừng cho anh Vi Võ Tuấn. Khi chân không còn bước được nữa, mắt đã mờ, năm 2008, cụ Nghĩa giao trọng trách bảo vệ rừng cho Tuấn với lời dặn: Coi rừng như máu thịt!

Anh Vi Võ Tuấn trầm giọng nói với chúng tôi: Tôi hứa với cụ Nghĩa, cũng như hứa với dân bản, sẽ làm hết sức mình để bảo vệ rừng săng lẻ nguyên vẹn. Hơn chục năm qua, tôi đã không lơi là, không phụ niềm tin yêu của cụ Nghĩa và của bà con. Nay rừng săng lẻ Tam Đình đã trở thành rừng đặc dụng, không còn là rừng sản xuất nữa, tôi được tuyển vào đội bảo vệ rừng với 10 người khác, có tiền lương nên trách nhiệm lại càng cao hơn.

Cụ Vi Văn Quyết ở bản Quang Thịnh, tỏ ra rất tự hào về khu rừng săng lẻ. Cụ hào hứng nói: Bản ta ai cũng tự hào về khu rừng này. Rừng nay cũng không khác gì ngày xưa, chỉ là diện tích có ít hơn hồi ta còn nhỏ, vì một số hộ ở gần rừng, chặt cây làm nhà. Nhưng từ năm 1965, khi ông Nghĩa ra sức bảo vệ thì tuyệt đối không có một cây nào bị hạ. 

“Năm 1995, cả bản ta đồng lòng xây dựng hương ước bảo vệ rừng săng lẻ, ai xâm phạm bị coi là có tội và bị phạt nặng, rừng lại càng xanh hơn. Dân bản Quang Thịnh quyết bảo vệ khu rừng này như bảo bảo vệ báu vật vậy”, cụ Quyết rất đỗi tự hào!

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.