Do vậy, người dân cần chú ý ngưng phát triển diện tích cây hồ tiêu, thay vào đó tập trung phát triển cây hồ tiêu theo quy trình sạch và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu.
Sản xuất sạch quyết định sống cònTheo khảo sát tại các đại lý ở Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông... giá tiêu khô hiện nay đang được thu mua ở mức 95-100 nghìn đồng/kg, giảm 50-60 nghìn đồng/kg so với niên vụ trước, là mức giảm sâu nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Ngoài ra, ngành tiêu đang đối mặt với nguy cơ tiếp tục trượt giá, do trước đây người dân lạm dụng thuốc trừ sâu, kích thích khiến dư lượng thuốc trong hồ tiêu tăng vượt mức cho phép. Bởi đầu năm 2017, Hiệp hội gia vị châu Âu đã gửi thư cảnh báo tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, trong năm 2016 tổ chức này đã lấy mẫu và phân tích 799 mẫu hạt tiêu đen nhập vào EU, thì chỉ có 17% số mẫu có mức dư lượng tối đa cho phép dưới 0.05ppm. Trong khi đó, EU là thị trường chính của hồ tiêu Việt Nam, với mức tiêu thụ gần 40.000 tấn, chiếm 23% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu hằng năm.
Tiến sỹ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học-Kỹ thuật nông nghiệp Tây Nguyên cho biết, do cây hồ tiêu có lợi nhuận kinh tế cao nên người dân phát triển ồ ạt, bất chấp nhiều cảnh báo rủi ro. Hơn nữa, việc thúc ép cây hồ tiêu sinh trưởng, phát triển nhanh đã khiến cho loại cây trồng này mất dần niềm tin trên thị trường quốc tế. Vì vậy, vấn đề sản xuất sạch được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.
Để làm được điều này, cơ quan khuyến nông cần tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức liên quan đến tình trạng sử dụng hoá chất cho người trồng hồ tiêu, hoàn thiện quy trình canh tác hồ tiêu theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), hỗ trợ ngành sản xuất hồ tiêu đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế… Chỉ khi nào đa số nông dân trồng tiêu thay đổi hành vi, canh tác theo GAP, thì chất lượng hạt tiêu mới có thể cải thiện, xuất khẩu theo đó mới có thể bền vững.
Tập trung xây dựng thương hiệuMột vấn đề đáng bàn nữa là, mặc dù cây hồ tiêu của Việt Nam chiếm tới hơn 50% thị trường quốc tế, nhưng chúng ta vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, chưa xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý hiệu quả.
Ông Trịnh Hoàng Sơn, Phó Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk cho biết, huyện Cư Kuin hiện có gần 4.000ha hồ tiêu, trong đó có gần 2.400ha tiêu kinh doanh, với sản lượng bình quân hằng năm đạt gần 9.000 tấn đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu vào ngày 6/12/2016. Tuy nhiên, để duy trì thương hiệu vẫn còn là một vấn đề mới mẻ với chính quyền và người dân huyện Cư Kuin.
Việc chúng ta chưa bảo vệ thành công thương hiệu, là do nhà sản xuất và kinh doanh thiếu tính chủ động, chưa biết làm ăn theo đúng luật quốc tế. Một số nơi trồng tiêu vẫn mang tính nhỏ lẻ, việc đầu tư về giống, kỹ thuật... chưa được chú trọng, tình trạng “trồng-chặt, chặt- trồng” làm ảnh hưởng tới chất lượng và sản lượng.
Ông Trần Đức Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế-Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, để phát huy tốt thương hiệu hồ tiêu Việt Nam, cần tiếp tục bảo vệ, đấu tranh mạnh mẽ để các nước chấp nhận thương hiệu tiêu đã đăng ký của Việt Nam. Về lâu dài cần nâng cao chất lượng nông sản, tăng cường công tác xúc tiến thương mại; giao lưu hợp tác quốc tế xây dựng và thực hiện thành công các chương trình xúc tiến thương mại nhằm tạo thế đứng bền vững cho hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.
THIÊN ĐỨC