Những chiếc mặt nạ vàng vốn là đồ tùy táng thuộc ba ngôi mộ đặc biệt tại di tích Giồng Lớn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam chủ trì phối hợp với Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu khai quật vào 2003 và 2005. Nhóm hiện vật được xác định có niên đại từ thế kỷ I TCN đến thế kỷ II sau Công nguyên. Trong mộ, bên cạnh mặt nạ vàng còn có các đồ tùy táng khác như đồ gốm, đồ trang sức, tiền Ngũ Thù, công cụ, vũ khí…
Những mặt nạ vàng có hình chữ nhật, in nổi hình đôi mắt mở to, hai lông mày cong cụp xuống, sống mũi nổi khá rõ, cánh mũi to; rìa cạnh có các lỗ nhỏ để xỏ dây đeo.
Theo Bảo tàng Bà Rịa -Vũng Tàu, ba chiếc mặt nạ tìm thấy tại Giồng Lớn độc đáo cả về hình dáng và kĩ thuật xử lí bề mặt. Tất cả đều có khuôn hình chữ nhật, được dát mỏng, sau đó được chạm nổi hình các bộ phận trên khuôn mặt, một trong số đó thuộc dạng che cả mặt (full-face mask), trên đó thể hiện các đặc điểm về mặt nhân chủng như lông mày giao nhau, mũi to thô, môi dày của người Indonesien.
Các phát hiện đồng dạng cho thấy nhiều khả năng những chiếc mặt nạ được dùng đặt trên mắt người chết trước khi mai táng. Vàng là loại quý kim không bị phong hóa và có giá trị nên được lựa chọn để dâng cúng bậc tiền nhân đã hiện diện khắp nơi trong khu vực.
Những chiếc mặt nạ vàng ở Giồng Lớn là những hiện vật góp phần làm phong phú thêm cho sưu tập cổ vật bằng vàng thời kỳ tiền-Óc Eo và Óc Eo ở miền Nam. Chúng được đánh giá có những nét tương đồng mặt nạ vàng ở các di tích tiền sử Java, Indonesia.
Sự xuất hiện của những chiếc mặt nạ vàng là hệ quả của con đường thương mại Á-Âu với những thương cảng (Hội An, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Óc Eo…) dọc biển miền Trung, miền nam Việt Nam vào các thế kỷ đầu Công nguyên.
Bộ sưu tập hình ảnh mặt nạ của di chỉ Giồng Lớn thuộc văn hóa Đồng Nai đã nhiều lần góp mặt trong các cuộc triển lãm “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” do Bảo tàng Khảo cổ học LWL thành phố Herne (Đức) tổ chức.