Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo tồn ngôn ngữ các DTTS trong xu thế hội nhập

PV - 14:10, 28/05/2018

Đồng bào Khmer có dân số khoảng 1,3 triệu người, sống tập trung ở các tỉnh Tây Nam bộ, một bộ phận sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Hằng năm, có gần 5.000 học sinh, sinh viên Khmer học tại các trường CĐ, ĐH, có trên 242.000 học sinh phổ thông. Tuy nhiên, việc dạy và học tiếng mẹ đẻ chỉ dừng lại mức độ biết đọc, viết, còn giáo viên chỉ tham gia bồi dưỡng chứ chưa hề có chứng nhận nghiệp vụ hoặc có mã ngành cho lĩnh vực này.

Bài 4: Ngôn ngữ Khmer mai một vì thiếu chuyên nghiệp trong bảo tồn

Người học trước dạy lại người sau

Đồng bào Khmer rất có ý thức tự học để bảo tồn tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, việc dạy chữ cho cấp tiểu học theo Chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu giúp cho học sinh các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc và viết chữ. Còn những em đã lỡ chương trình hoặc người lớn hơn cấp tiểu học thì phải học tạm tại các lớp điểm chùa ở địa phương. Achar Kim Sô Phol ở ấp Hương Phụ B, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành (Trà Vinh) chia sẻ, giữ được chữ viết, là giữ được tiếng nói và văn hóa của dân tộc mình.

Một lớp học hè tại chùa khmer tỉnh Trà Vinh. Một lớp học hè tại chùa khmer tỉnh Trà Vinh.

Với suy nghĩ đó, từ năm 1993, ông bắt đầu tham gia dạy chữ Khmer cho các vị sư ở chùa, dạy bổ túc nâng cao chữ Khmer cho các học sinh trong ba tháng hè. “Ngoài niềm tin và tâm huyết, việc được dạy chữ Khmer cho đồng bào dân tộc mình là nghĩa vụ của người học trước truyền lại cho người học sau”, Achar Kim Sô Phol bộc bạch.

Không riêng gì ở Trà Vinh mà các địa phương khác trên địa bàn Tây Nam bộ, việc bảo tồn tiếng dân tộc của mình phải tự xoay xở và tuỳ theo điều kiện. Ông Thạch Dương, Trưởng Ban Dân tộc Vĩnh Long chia sẻ: “Ở Vĩnh Long có khoảng 1.000 em học sinh học tiếng Khmer ở 5 trường tiểu học theo chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo; còn lại các em muốn đi học tiếng dân tộc thì đến các điểm chùa ở địa phương để học. Ở chùa chủ yếu các sư dạy cho biết đọc, biết viết, chứ ai có nghiệp vụ gì đâu.”

Bất cập trong xây dựng đội ngũ giáo viên

Thực tế tại các địa phương việc giáo viên dạy chữ Khmer không thiếu, nhưng giáo viên có nghiệp vụ sư phạm là không có. Lý giải việc này, ông Danh Ngọc Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho rằng: Việc dạy và học chữ Khmer là truyền thống lâu đời của dân tộc Khmer Kiên Giang, họ tự có ý thức để học cho biết tiếng mẹ đẻ của mình... Cái khó của tỉnh là chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo dạy tiếng dân tộc, mà chỉ có bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm với nhau giữa các giáo viên biết tiếng dân tộc Khmer, rồi sau đó đứng lớp dạy cho học sinh.

Theo Nghị định 82 của Chính phủ quy định về việc dạy tiếng DTTS thì có đề cập đến, nhưng thông tư hướng dẫn thực hiện “Đề án vị trí việc làm” trong ngành Giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì không có vị trí việc làm đối với giáo viên dạy tiếng Khmer, nên việc này không có cơ sở tuyển chọn hay thu hút giáo viên có đủ năng lực để giảng dạy. Còn Trường Đại học Trà Vinh có Khoa Ngôn ngữ, văn hoá, nghệ thuật Khmer Nam bộ nhưng khi sinh viên tốt nghiệp khoa này được cấp bằng cử nhân văn hoá. Nên giáo trình học của khoa này tập trung vào lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật của dân tộc Khmer là chính, nên đối tượng này cũng không “Danh chính, ngôn thuận” để làm giáo viên dạy tiếng Khmer, mặc dù nói và viết tiếng Khmer rất giỏi.

Bà Thạch Thị Dân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, cho biết: “Chương trình nghiên cứu cũng như giáo trình học của Khoa NN-VH nghệ thuật Khmer Nam bộ là tổng hợp vì không phải khoa sư phạm, mà khoa sư phạm của trường thì không có chức năng đào tạo giáo viên tiếng Khmer. Do đó, giảng viên về ngôn ngữ Khmer ở trường cũng gần giống như ở các cấp học thấp là người đi trước hướng dẫn và dạy lại người học sau”.

Bảo tồn cần gắn với phát triển bền vững

Để giải quyết vấn đề trên, năm 2017, Trường Bổ túc Văn hóa Trung cấp Pali Nam bộ (Sóc Trăng) đã thành lập Ban Biên soạn chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Pali. Đồng thời, tiến hành thẩm định Chương trình khung đào tạo dạy tiếng Pali gồm các môn: phương pháp dịch Pali, từ và câu trong Pali, phân tích cú pháp Pali, ngữ pháp Pali, dịch kinh 38 điều hạnh phúc, văn học dân gian, ngữ pháp Khmer… Ngoài ra, Hội đồng cũng đã tiến hành thẩm định khung chương trình đào tạo Pali sơ cấp để thống nhất chương trình đào tạo Pali sơ cấp tại các chùa Khmer trong tỉnh.

baodantoc_khmer1

Ông Sơn Phước Hoan, Nguyên thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT thông tin: Đồng bào dân tộc Khmer biết tiếng mẹ đẻ hiện nay trên 90%, còn tỷ lệ biết đọc và viết chữ Khmer khoảng 10%. Do đó, để nâng tỷ lệ này lên thì cần phải củng cố, đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, mà việc này phải bắt đầu từ việc bộ ngành Trung ương bổ sung mã ngành trong đào tạo và vị trí việc làm trong tuyển dụng sử dụng người lao động. Đặc biệt, đồng bào DTTS phải tự ý thức gìn giữ bản sắc văn hoá, chữ viết, tiếng nói của chính dân tộc mình.

Để phát triển lâu dài trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ, Trường đại học Trà Vinh, đã lập dự án nghiên cứu bộ từ điển tiếng Việt và Khmer sử dụng được trên điện thoại, máy tính bảng hoặc cài từ điển trên máy tính để bàn (đĩa CD). Trường ĐH Trà Vinh đã mời nhóm chuyên gia từ bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm Khoa học Campuchia đến thẩm định Bộ từ điển tiếng Việt và Khmer do các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về ngôn ngữ, sư sãi tại các chùa tham gia thực hiện.

Theo bà Thạch Thị Dân Phó hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh cho biết: “Dự án này nhằm bảo tồn, phát huy tiếng Việt và tiếng Khmer, góp phần thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tiếng nói, chữ viết của các DTTS và phục vụ cho sinh viên và giảng viên Khoa NN-VH nghệ thuật Khmer Nam bộ nghiên cứu lâu dài”.

Còn Hoà Thượng Đào Như, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer mong muốn: “Đối với Học viện mong muốn, khi được xây dựng hoàn thiện sẽ được các Bộ ngành hỗ trợ để đào tạo đội ngũ giáo viên đủ chuẩn sư phạm dạy tiếng dân tộc Khmer để tạo nguồn nhân lực cho vùng sau này. Xác định bảo tồn thì phải gắn liền với sự phát triển toàn diện, đồng thời hướng cho phật tử ý thức tự giữ lấy ngôn ngữ của dân tộc mình, đây mới là giải pháp bền vững mãi, còn dân tộc thì còn ngôn ngữ”.

HẠNH NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ngày 26/12, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 (Chương trình MTQG 1719) tại các huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Đoàn công tác do ông Bạch Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận dẫn đầu. Cùng dự làm việc có đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã trên địa bàn 2 huyện.