Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bác Hồ trong ký ức người du kích Tây Tiến

PV - 10:58, 16/05/2018

Ở huyện vùng biên Mường Lát, nhắc đến lão thành cách mạng Lương Văn Pém, đồng bào các dân tộc nơi đây đều tỏ lòng yêu mến và kính trọng.

Ông không chỉ là người lính kiên cường đã đi qua thời khói lửa nơi núi rừng Tây Tiến năm xưa vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ; mà trong cuộc sống hôm nay, ông trở thành sợi dây gắn kết tình đoàn kết dân tộc nhờ những đóng góp, dẫn dắt của ông trong việc xây dựng mảnh đất địa đầu miền Tây xứ  Thanh ngày càng ổn định, phát triển.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn truyền thống của người Thái, bên dòng suối Sim đang cuộn nước về xuôi, ông Lương Văn Pém, người du kích dẫn đoàn quân Tây Tiến năm xưa vẫn nhớ như in những ngày xẻ núi băng rừng cùng đoàn quân “không mọc tóc”.

Năm 1947, Pháp kéo về các bản ở Mường Lát, đám quan làng lại cấu kết với chúng. Đi đến đâu, chúng cướp bóc trâu bò, giết người, hãm hiếp phụ nữ… khiến người dân vô cùng khốn khổ, căm hận.

Ông Lương Văn Pém, người đã hai lần được gặp Bác Hồ. Ông Lương Văn Pém,người đã hai lần được gặp Bác Hồ.

 

Ngày ấy, ông cùng với khoảng 20 người nữa tham gia vào đội du kích Tây Tiến, được giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội, truyền thông tin, cất giấu muối, tiếp tế lương thực. Mặc dù, ngoài tiếng Thái, là tiếng dân tộc mình, ông còn biết tiếng Lào, tiếng Mông, Khơ Mú, Dao, Mường… nhưng tiếng Kinh thì ông lại không biết. Thế nhưng, khi được giao nhiệm vụ giao liên, dẫn đoàn quân Tây Tiến, không cần suy nghĩ, ông đã đồng ý ngay.

Công việc của ông là đón quân từ Tam Trung, theo suối Sim lên Pù Nhi, Pù Mùa, Mường Chanh, lên trạm Cang rồi sang đất Lào, đến Nà Lứa, Chiềng Ken, Sục Toong, bàn giao công việc dẫn đoàn cho người khác, rồi lại vòng về đất Việt. Dù công việc nguy hiểm và khó khăn nhưng ông luôn hoàn thành nhiệm vụ.

Đến năm 1953, cục diện chiến trường vùng Tây Bắc thay đổi, thực dân Pháp rút quân khỏi Mường Lát, bộ đội Tây Tiến cũng rời đi. Ông Pém ở lại tiếp tục hoạt động cách mạng, được cử đi học rồi về giữ chức Phó Công an xã Quang Chiểu, Chủ tịch xã, Phó Chủ tịch huyện, Phó Bí thư Huyện ủy Quan Hóa cho đến lúc về hưu.

Trong sự nghiệp theo cách mạng, cụ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều huân, huy chương do có thành tích trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hoạt động xã hội sau này.

Đặc biệt, nhân dân Mường Lát luôn nhớ về cụ, một người cán bộ đi đầu trong công tác hướng dẫn người dân làm kinh tế mới, như vận động bà con trồng trọt theo phương pháp mới, thay đổi những tập tục lạc hậu, cổ hủ như vận động đồng bào Mông đưa người chết vào quan tài chôn cất chứ không treo trên cáng rồi cúng bái nhiều ngày gây tốn kém. Từng bước hạn chế nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống góp phần phát triển kinh tế cho địa phương. Các con của ông nhiều người cũng đang nối tiếp bước chân của cha mình, hoạt động tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội ở địa phương… Điển hình như anh Lương Văn Thông con trai cả của ông Pém hiện là Bí thư Huyện ủy Mường Lát, anh Lương Văn Cường con trai út đang làm Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Mường Lát…

Nhiều chương trình, dự án được đầu tư vào Mường Lát góp phần giúp bà con DTTS thoát nghèo. (Ảnh: MH) Nhiều chương trình, dự án được đầu tư vào Mường Lát góp phần giúp bà con DTTS thoát nghèo. (Ảnh: MH)

 

Ông Pém nói, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ký ức về 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ là luôn nguyên vẹn trong ông. Lần thứ nhất là năm 1960, khi ông tham gia một Đoàn đại biểu là người DTTS ở Thanh Hóa ra Hà Nội thăm quan, thì bất ngờ được Bác đến thăm và động viên bà con trong đoàn. Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả là lần thứ hai, vào năm 1963, ông được gặp Bác nhân dịp ông tham dự Đại hội bảo vệ trị an toàn miền Bắc, diễn ra tại Hà Nội.

Lúc tôi được mời đi dự Đại hội, tôi không nghĩ lại vinh dự được gặp Bác, nên khi bất ngờ thấy Bác Hồ xuất hiện, tôi vui mừng, hạnh phúc và xúc động lắm.

Trong Đại hội, Bác khen xã Quang Chiểu đoàn kết tốt. Một xã biên giới xa huyện, xa tỉnh, xa Trung ương, nhưng cán bộ một lòng theo Đảng, đồng bào các DTTS với bộ đội, với công an đoàn kết tốt giúp đỡ lẫn nhau. Bác vừa dứt lời, các đại biểu trong hội trường đều vỗ tay hoan hô.

“Rồi bất ngờ Bác hỏi có ai ở Quang Chiểu không? Tôi liền đứng lên nói to: Thưa Bác có con! Bác hỏi thăm, tuyên dương tôi ngay giữa hội trường trước những tràng vỗ tay không ngớt làm tôi vui quá đỏ hết cả mặt”.

Ông kể, khi rời Thủ đô, ông được Bác tặng cho một túi quà gồm có, 1 chiếc đèn pin, 2 đôi pin và 4m vải lụa đỏ. Hôm về, bà con kéo đến hội trường của xã rất đông để nghe ông kể chuyện được gặp Bác Hồ. “Những món quà Bác tặng, tôi đã dành tặng lại 4m vải lụa cho mẹ già. Mẹ tôi cũng không dùng tấm vải đó để may quần áo mà giữ nó rất cẩn thận. Ngày mẹ qua đời, gia đình đã dùng tấm vải quý đó để khâm liệm cho mẹ”, ông Lương Văn Pém xúc động nhớ lại…

Năm nay ở cái tuổi gần 90 tuổi, mặc dù cụ Lương Văn Pém vẫn đang từng ngày chống chọi với bệnh tật, tuổi già. Tuy nhiên, mỗi lần nhắc đến Bác; đặc biệt là vào những ngày tháng năm lịch sử, cả nước hướng tới ngày sinh nhật Bác, những ký ức năm xưa lại trở về nguyên vẹn trong trí nhớ của ông. Ông bảo, hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời ông là được chứng kiến quê hương ngày càng thay đổi, các con cháu ông trưởng thành thay ông xây dựng quê hương.

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.