Từ những ngôi nhà nghĩa tình
Sống trong căn nhà mới, ông Lô Văn Kết và bà Vi Thị Luyến ở bản Cằng, xã Môn Sơn, huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) sẽ không bao giờ quên, những năm tháng khốn khổ sống trong ngôi nhà xập xệ, thấp bé trước kia. Mùa mưa bão, nỗi lo của hai ông bà già như nhân lên gấp bội. Nhưng ngặt nỗi gia cảnh khó khăn, nên đã lâu ông bà không có điều kiện sửa sang lại nhà cửa.
Thế rồi, niềm vui rất lớn đã đến: Ông bà nằm trong diện được Ủy ban MTTQ huyện xét và được xây tặng một ngôi nhà mới kiên cố, khang trang.
Ông Kết xúc động: "Thế là đã thoát cảnh nơm nớp lo sợ khi mưa bão, nắng nóng khi mùa hè đến. Nhận nhà mới, vợ chồng tôi mừng không ngủ được. Cảm ơn tổ chức Mặt trận và các cơ quan ban ngành nhiều lắm".
Bà Lô Thị Vinh ở bản Trung Thành, xã Lục Dạ cũng vui mừng không kém. Bà Vinh có hoàn cảnh đặc biệt khi chồng mất đã lâu, sức khỏe yếu, con cái đi làm thuê mãi tận phía Nam chưa về. Bà Vinh trải lòng: "Nếu không được xét hỗ trợ nhà ở, thì tôi không biết đến bao giờ mới xây dựng được. Nghĩa tình của những người làm công tác Mặt trận lớn lắm, tôi rất biết ơn".
Dịp kỷ niệm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam vừa rồi, Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông đã bàn giao 16 ngôi nhà Đại đoàn kết, đem lại niềm vui cho các hộ nghèo trên địa bàn trong Ngày hội toàn dân.
Ông Phạm Trọng Bình, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ huyện Con Cuông bấm ngón tay: Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã xây dựng được gần 30 ngôi nhà Đại đoàn kết. Mỗi ngôi nhà có giá 70 triệu đồng, người dân đối ứng 30 triệu đồng; được Ủy ban MTTQ huyện thuê thiết kế, có tốp thợ nhận xây theo mẫu bảo đảm nhanh gọn, hạn chế phát sinh chi phí. Ngôi nhà có diện tích 35m2, được sơn màu vàng bên ngoài.
Nói về tiêu chí lựa chọn để triển khai xây nhà Đại đoàn kết, ông Bình chia sẻ: Nguồn kinh phí xây nhà là do Ủy ban MTTQ huyện kêu gọi từ các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, có đối ứng từ huyện, từ Quỹ Vì người nghèo. Còn đối tượng được hỗ trợ xây dựng là những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được thôn, bản xét duyệt.
Đến ngân hàng bò giống
Nếu như những ngôi nhà Đại đoàn kết, là cơ sở để bà con các bản làng ở huyện Con Cuông an cư, thì những con bò giống được cấp hỗ trợ lại là điều kiện để người dân nghèo “lạc nghiệp”, có thêm động lực để thoát nghèo.
Thực ra, mô hình “Ngân hàng bò giống” là không mới ở Nghệ An, cũng như một số địa phương trên cả nước. Nhưng cái mới mà huyện Con Cuông triển khai, đó là hình thức “nuôi rẽ”. Theo cách triển khai mà Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông thực hiện thì, tổ chức mặt trận huyện sẽ phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát, chọn hộ để hỗ trợ mỗi gia đình 1 con bò trị giá 10 triệu đồng. Bò có khả năng sinh sản tốt, khỏe mạnh, là giống bò địa phương, phù hợp với khí hậu và tập quán chăn thả của người dân.
Ban quản lý “Ngân hàng bò” tại các xã, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức bình xét và lập danh sách hộ nghèo hưởng lợi kế cận để tổ chức luân chuyển bò giống kịp thời, đúng thời gian quy định, đảm bảo sự công bằng.
Khi bò sinh lứa đầu tiên, nếu là con cái thì sẽ trao cho hộ nghèo khác làm con giống. Nhưng, nếu là con đực thì giao lại cho tổ chức MTTQ bán, để mua con cái khác để trao cho hộ nghèo khác. Từ lứa thứ hai trở đi sẽ thuộc về gia đình nhận bò ban đầu. Còn gia đình nhận con giống, sẽ tiếp tục chăm sóc đến khi sinh sản lại giao con đầu tiên cho hộ khác. Cứ thế, mô hình “nuôi rẽ” sẽ xoay vòng để nhân đàn, tạo cơ hội cho nhiều hộ được hỗ trợ con giống từ Ngân hàng bò.
Một trong 10 hộ đầu nhận bò giống sinh sản từ “Ngân hàng bò” của Quỹ Vì người nghèo do MTTQ các cấp quản lý, bà Ngân Thị Tình ở bản Cằng, xã Môn Sơn đã không làm mọi người “thất vọng”. Từ khi nhận bò giống, bà Tình ngày đêm chăm bẵm. Không phụ công người, sau một năm rưỡi chăm sóc, bò mẹ đã sinh lứa đầu tiên. Khi bê con được 6 tháng tuổi, con giống này đã được giao cho hộ gia đình anh Ngân Văn Mùi ở cùng bản chăm sóc. Bà Tình hồ hởi: "Con bò nhà tôi sắp sinh lứa thứ 2 rồi. Từ lứa này trở đi là của nhà tôi đấy".
Câu chuyện về những con bò giống từ “Ngân hàng bò” đã sinh lứa đầu tiên, và đã chuyển giao cho nhiều hộ nghèo khác làm kế sinh nhai, đang là vấn đề được bàn sôi nổi ở nhiều thôn bản huyện Con Cuông.
Cuối năm 2020, hộ ông Lô Văn Hoan ở bản Cống xã Cam Lâm được cấp bò giống. Nay, lứa sinh thứ nhất, đã được chuyển giao cho hộ anh Lộc Văn Thỉu cũng trú tại bản Cống.
Ông Hà Văn Bảy ở bản Cống, xã Cam Lâm, là hộ nhận bò giống cuối năm 2020, cười rõ tươi: Mô hình ngân hàng bò giống xoay vòng thật ý nghĩa. Không chỉ vun đắp thêm tình đoàn kết, gắn bó, mà còn là cơ hội cho những hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Khi tìm hiểu về mô hình “Ngân hàng bò”, tôi khá bất ngờ khi đề án về chăn nuôi bò sinh sản được Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông mới chỉ triển khai vào tháng 9/2020, tại 3 xã Môn Sơn, Lạng Khê, Cam Lâm, từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của huyện. Nhưng nay, đã bàn giao được 30/50 con theo đề án, mỗi xã được nhận 10 con. Các hộ được giao bò do MTTQ các cấp xét chọn từ các tổ liên gia gồm 5 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo; ưu tiên hộ nghèo ở các thôn bản đăng ký xây dựng nông thôn mới.
Thật mừng, sau 1 năm triển khai, từ 30 con bò giống được giao ban đầu, đã tăng thêm 12 con bê. Điển hình như xã Cam Lâm từ 10 con bò ban đầu đã sinh sản 5 con bê, trong đó đã thực hiện bàn giao cho hộ khác 3 con, còn 2 con chuẩn bị bàn giao. Ở xã Môn Sơn, từ 10 con bò giống ban đầu, đến nay đã có thêm 6 con bê, trong đó đã bàn giao 4 con cho hộ khác, còn 2 con chuẩn bị bàn giao.
Để phát huy hiệu quả “Ngân hàng bò”, cuối năm 2021, Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông tiếp tục lựa chọn 50 hộ nghèo và cận nghèo để xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản tại 5 xã, gồm: Lục Dạ, Châu Khê, Mậu Đức, Đôn Phục, Bình Chuẩn. Trong đó, vốn tỉnh cấp là 500 triệu đồng, Quỹ Vì người nghèo của huyện cân đối 250 triệu đồng. Như vậy, đã có thêm 50 hộ gia đình được nhận 50 con bò giống để có cơ hội được “đổi đời”.
Theo Bí thư huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng, chủ trương của huyện là sẽ không có chuyện cho không “con cá” như trước đây, mà là trao “cần câu” cho những người nghèo có cam kết. Khi đã giao kèo, thì mỗi người đều cùng có nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng. "Huyện phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ sẽ phủ kín Ngân hàng bò ở 11/13 xã trên địa bàn. Riêng đơn vị thị trấn và xã Bồng Khê sẽ nghiên cứu triển khai mô hình khác", ông Hùng cho biết.