Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, có 3 bộ và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%), Ngân hàng Phát triển (49,42%), Ngân hàng Chính sách xã hội (48,3%); các tỉnh: Tiền Giang (58,7%), Phú Thọ (56,4%), Thái Bình (55,1%).
Tuy nhiên vẫn có tới 36 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%, trong đó có 26 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%.
Bộ Tài chính cũng đã báo cáo tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm. Cụ thể, tại Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 6/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng. Tổng lũy kế vốn đã bố trí đến năm 2021 là 22.855,035 tỷ đồng. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước đến 15/7/2022, Dự án đã giải ngân là 15.776,589 tỷ đồng, đạt 69,03% kế hoạch đã giao.
Còn tại Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, ước đến hết 31/7/2022, Dự án giải ngân được 7.200 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm 2022 được giao (20.526,645 tỷ đồng). Hiện Dự án này đã hoàn thành công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng (đạt 100%), bàn giao 652,555km (đạt 99,95%). Cùng với đó, toàn bộ 11/11 dự án thành phần đã khởi công xây dựng, trong đó 01 dự án đã hoàn thành (đoạn Cao Bồ - Mai Sơn).
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao 257 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Trong kế hoạch năm 2022 phân bổ đợt 2, Dự án được bố trí 257 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư. Ước giải ngân đến hết ngày 31/7/2022 đạt 185 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch.
Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành, những hạn chế cơ bản trong công tác giải ngân vốn đầu tư công của thời gian trước đã được khắc phục như: đầu tư dàn trải, không có chủ trương, không gắn với mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không gắn với nguồn vốn, không gắn với khả năng cân đối vốn; đầu tư phân tán, kéo dài, kém hiệu quả, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; ứng trước kế hoạch vốn; không có nguồn để trả…
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế và cần tiếp tục khắc phục, đổi mới như: chất lượng và tiến độ trong công tác chuẩn bị đầu tư, đầu tư dự án chưa thật sự cấp thiết, chưa có tầm nhìn trung và dài hạn; tiến độ phê duyệt các dự án giao các đơn vị kế hoạch vốn chi tiết còn chậm, giải ngân chưa đáp ứng được yêu cầu, tình trạng thong thả đầu năm vất vả cuối năm vẫn hổ biến; điều chỉnh dự án nhiều lần ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, chậm hoàn thành đưa vào sử dụng, chất lượng công trình chưa đảm bảo, nhiều công trình, dự án vừa hoàn thành đã phải nâng cấp, mở rộng… đặc biệt là trong các công trình giao thông vận tải.
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý ngay những tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền đã được các Đoàn công tác của Chính phủ nêu ra.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đề xuất phương án cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định) để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Ngoài ra, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.