Năm 2006, anh Nguyễn Xuân Oanh rời quê hương Ninh Bình lên mảnh đất Phong Thổ lập nghiệp với công việc của một công nhân khai thác mỏ đá. Năm 2009, nhận thấy nơi đây còn rất nhiều đồng đất bỏ hoang, anh Oanh dồn hết vốn liếng tích cóp mua được hơn 1ha đất. Có đất, anh tập trung vào trồng rừng kết hợp với chăn nuôi trâu, bò và gia cầm với mục tiêu lấy ngắn nuôi dài.
Anh Oanh tâm sự: “Cũng là cái duyên, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mình luôn có mong ước một ngày nào đó sẽ có một khu rừng của riêng của gia đình để trồng tất cả những cây mình yêu thích. Tuy nhiên, trồng rừng đòi hỏi phải có thời gian, chính vì vậy mình suy nghĩ phải nuôi thêm trâu, bò, gà, vịt để lấy nguồn thu ban đầu. Đây cũng là nguồn tích lũy để mình có thể mua thêm đất đai, mở rộng diện tích trồng rừng”.
Vừa làm vừa vay mượn, cộng với tiền tích lũy qua từng năm, đến nay anh Oanh đã trồng được 5,6ha rừng trồng với một số cây gỗ có giá trị cao như lát, dổi, xoan… Bên cạnh đó, anh còn nhận bảo vệ hơn 200ha rừng phòng hộ.
Cùng với việc trồng và bảo vệ rừng, anh Oanh còn trồng xen thêm cỏ, phục vụ chăn nuôi đại gia súc. Đến nay, đàn trâu của gia đình anh có 8 con, đàn bò 51 con và hàng trăm con gà, ngan, vịt... Ngoài ra, anh còn trồng thêm thanh long, bưởi, chanh phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Từ mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi đại gia súc, bình quân mỗi năm cho gia đình anh Oanh thu nhập gần 1 tỷ đồng. Trang trại của gia đình anh luôn tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 lao động địa phương, với mức lương 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Với những hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, anh luôn sẵn sàng giúp đỡ. Có những người được anh cho mượn đất dựng nhà, trồng cỏ chăn nuôi, tạo công ăn việc làm để có thu nhập, có người được anh hỗ trợ vốn, người được anh bán chịu bò giống với giá rẻ, đến khi nào bò sinh sản mới thu vốn…
Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Oanh cho biết, trồng trọt và chăn nuôi vẫn là hướng đi chính của gia đình anh. Trong đó, sẽ tập trung tìm hiểu kỹ thuật để đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng với các loại cây có giá trị kinh tế cao như: sa nhân, nghệ đen, tam thất…
“Tôi cho rằng, trồng rừng vẫn là hướng phát triển kinh tế bền vững nhất, nên sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê này. Ngoài ra, tôi sẽ tiếp tục nhân giống và phát triển đàn bò, trâu, gà… vì với những vật nuôi này nhu cầu thị trường là rất lớn, nhất là đối với sản phẩm được chăn nuôi, sản xuất sạch như gia đình đang làm hiện nay”.
Ông Nguyễn Văn Tuyển, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ cho biết: Huyện Phong Thổ là một trong những huyện có tỷ lệ che phủ rừng cao của tỉnh Lai Châu (đạt gần 50%). Để làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh rừng, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, thống kê diện tích rừng hiện có và giao khoán cộng đồng thôn bản, người dân trong trồng và quản lý rừng. Mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi đại gia súc của gia đình anh Nguyễn Xuân Oanh, ở thôn Vàng Khon, thị trấn Phong Thổ là một trong những mô hình mang lại hiệu quả cao nhất trên địa bàn huyện Phong Thổ những năm vừa qua.
Hiện chúng tôi đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để anh Oanh có thể phát triển và mở rộng diện tích rừng trồng: hỗ trợ về kỹ thuật, vay vốn sản xuất...; coi đây là mô hình điểm để đưa bà con nhân dân về thăm quan, học tập góp phần phát triển kinh tế từ trồng rừng”, ông Tuyển cho biết thêm.
Với những cố gắng, thành tích trong công tác trồng và bảo vệ rừng; phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, năm 2016, anh Oanh đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp, góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Anh cũng đã nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Lai Châu, của huyện Phong Thổ.
TRỌNG BẢO