Để khắc phục tình trạng này, đồng bào các dân tộc ở xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn đã tập trung phát triển đàn trâu, bò bằng hình thức nuôi nhốt chuồng để vỗ béo. Cách làm này đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Với sự hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, cách đây gần 5 năm, một số hộ dân ở thôn Hồng Phong, xã Chiến Thắng đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình chăn nuôi gia súc từ chăn thả sang nuôi nhốt chuồng, vỗ béo. Một trong những người đi đầu trong mô hình chuyển đổi là ông Đặng Văn Lương, thôn Hồng Phong 4. Ông Lương cho biết: Sau một thời gian tìm hiểu nhu cầu thị trường, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, gia đình tôi đã quyết định nuôi vỗ béo trâu, bò theo phương thức nhốt chuồng. Để tạo được nguồn thức ăn thô xanh, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của đàn trâu, gia đình đã trồng gần 1 mẫu cỏ trên những diện tích đất kém hiệu quả. Nhờ đó, gia đình hoàn toàn chủ động được nguồn thức ăn thô xanh, giàu dinh dưỡng cho đàn trâu.
Theo tính toán của ông Lương, mỗi năm gia đình ông nuôi vỗ béo và xuất bán được hàng chục lứa trâu, mỗi lứa từ 3-5 con. Lợi nhuận thu được từ việc chăn nuôi vỗ béo trâu của gia đình mỗi năm gần 100 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình ông vươn lên trở thành hộ khá giả trong xã, xây được nhà, mua thêm được nhiều nông cụ phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế.
Cũng như gia đình ông Lương, chị Lê Thị Loan ở cùng thôn Hồng Phong 4 đã nuôi trâu theo hình thức vỗ béo từ 4 năm nay. Chị Loan cho biết: Để nuôi trâu, bò vỗ béo đạt hiệu quả, bên cạnh việc lựa chọn con giống tốt cần quan tâm đầu tư chuồng trại, chăm sóc phòng bệnh cho đàn trâu, bò. Lợi thế của việc chăn nuôi vỗ béo trâu, bò là tận dụng được diện tích đất kém hiệu quả, đất bỏ hoang để trồng cỏ làm thức ăn. Trong việc cung cấp thức ăn, gia đình chị Loan còn bổ sung thêm thức ăn tinh như ngô, khoai, sắn… là các sản phẩm nông nghiệp sẵn có của gia đình nên tiết kiệm được nhiều chi phí. Từ 4 con trâu ban đầu, đến nay gia đình chị Loan lúc nào cũng nuôi từ 13 đến 20 con trâu. Trung bình một con trâu được gia đình chị nuôi nhốt vỗ béo khoảng 4 đến 6 tháng thì xuất bán, sau khi trừ chi phí, chị Loan lãi từ 15 đến 20 triệu đồng/con.
Thấy hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, đến nay 6/12 thôn, bản ở xã Chiến Thắng đã tập trung phát triển đàn trâu, bò. Đặc biệt tại 4 thôn đều mang tên Hồng Phong (từ Hồng Phong 1 đến Hồng Phong 4) có phong trào phát triển mạnh nhất. Chỉ tính riêng ở thôn Hồng Phong 4, cả thôn có 66 hộ thì đến nay đã có 45 hộ phát triển nghề chăn nuôi vỗ béo trâu, bò. Hộ nuôi nhiều nhất có 8-9 con, hộ ít cũng có 2 con nuôi nhốt trong chuồng. Có thời điểm cả thôn có tổng cộng 140 con cả trâu và bò nuôi vỗ béo để xuất bán ra trên thị trường.
Ông Hoàng Văn Thủy, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Nhận thấy nhu cầu của người dân, hằng năm Phòng Nông nghiệp đã phối hợp với xã Chiến Thắng tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò; cách thiết kế chuồng trại; chế độ dinh dưỡng với khẩu phần ăn hợp lý, công tác vệ sinh, phòng bệnh trong chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra... Để phát triển đàn trâu, bò bền vững và ổn định, hiện nay Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp cánh đồng vàng mới được thành lập đang triển khai dự án cung cấp con giống, cách tiêu thụ sản phẩm trâu, bò cho người dân. Đây là hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi trâu, bò ở xã Chiến Thắng và là mô hình điểm để nhân rộng ở các xã trong huyện Bắc Sơn.
Đến nay, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn đã mở rộng diện tích trồng cỏ voi lên trên 52ha để cung cấp thức ăn cho gần 1.000 con trâu, bò trên địa bàn. Hơn 50% số hộ dân trong xã đang phát triển kinh tế theo hình thức này. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 23 triệu đồng/người/năm, hộ đói không còn, hộ nghèo giảm hẳn. Cuộc sống ổn định, bà con các dân tộc trong xã đã tích cực góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới.
HOÀNG NAM - MINH THU