Chị Nguyên Thị Thái, ở bản Nà Đình cho biết: Khoảng 6 giờ sáng ngày 22/10, trời mưa rất to và ngay sau đó nước lũ từ suối Nghĩa Đô dâng lên nhanh tràn vào nhà ngập hết đồ đạc, gạo thóc... “Nước dâng lên quá nhanh nên vợ chồng con cái chỉ kịp gọi nhau chạy ra khỏi nhà chứ không kịp cứu tài sản”, chị Thái chưa hết bàng hoàng kể.
Tương tự, anh Ma Văn Kính cho biết: gia đình anh về sinh sống ở bản Nà Đình này đã hơn 10 năm nay, thỉnh thoảng con suối Nghĩa Đô này cũng có lũ về nhưng lớn lắm cũng chỉ ngập đến nền nhà. “Lũ lần này to quá, căn nhà sàn 2 tầng của tôi mà nước ngập đến ngang nhà. Hai vợ chồng chỉ kịp gọi các cháu còn đang ngủ rồi bồng bế nhau lên chỗ không bị ngập chứ tài sản trong nhà không chạy được gì”.
Theo thống kê ban đầu, trận lũ ống đã làm chết 01 người, nạn nhân được xác định ở xã Bản Rịa, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, hiện đã được cấp ủy chính quyền xã Nghĩa Đô làm thủ tục bàn giao thi thể cho gia đình đưa về quê mai táng.
Lũ ống cũng đã làm hư hại 96 nhà dân. Trong đó, 09 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 87 nhà bị ngập úng; khoảng 96,6ha lúa đang thời kỳ thu hoạch và trên 6ha hoa màu bị ngập úng hoàn toàn; hàng trăm gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Tuyến đường giao thông tỉnh lộ 153 bị ngập và sạt lở 700m đất đá gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ, nhiều tuyến đường liên thôn bản bị lũ xói mòn, sạt lở; 01cầu sắt bị lũ cuối trôi gây khó khăn trong việc đi lại của người dân... ước thiệt hại ban đầu trên 5 tỷ đồng.
Ông Hồ Cao Khải, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: “Chúng tôi đã tập trung mọi lực lượng để hỗ trợ bà con xã Nghĩa Đô. Trong đó, lực lượng công an, quân đội làm nòng cốt cùng với người dân nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa, bảo vệ tài sản cũng như giải quyết nơi ăn, nghỉ cho những gia đình không còn nhà. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh sau mưa lũ”, ông Khải cho biết thêm.
TRỌNG BẢO