Chinh phục vùng đất khó
Trên con đường dẫn vào bản Vĩnh Kim, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoa Sơn tự hào nói: Đến bản Vĩnh Kim không phải chịu cảnh bụng đói ra về nữa, bởi nhà nào cũng thóc lúa đầy bồ và gà, lợn hàng đàn thì không kể hết. Ông Linh nói, trước đây người Vĩnh Kim nghèo đói là do con đông, sinh đẻ không có kế hoạch. Từ khi cán bộ xã vào Vĩnh Kim cắm bản tuyên truyền, người dân hiểu ra và không sinh nhiều con nữa nên cuộc sống có nhiều thay đổi.
Ở bản, ông Vi Huỳnh được xem là người tiên phong trong các lĩnh vực chia sẻ: Ngày trước việc sinh đẻ vô tội vạ lắm, nhưng giờ đã khác rồi. Bà con đã nhận thức đẻ nhiều mà không làm ra chỉ thêm khổ, nên đã 6 năm nay, từ khi Câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3” được thành lập thì không có vợ chồng nào vỡ kế hoạch. Thậm chí, trong 20 cặp vợ chồng đang ở độ tuổi sinh đẻ, có khoảng 7-8 cặp sinh con gái một bề cũng cam kết chỉ dừng lại ở 2 con.
“Từ chỗ sinh đẻ có kế hoạch, bà con đầu tư thời gian, tiền bạc tập trung làm kinh tế để đưa thu nhập tiến gần mức bình quân của xã đạt 34 triệu đồng/hộ/năm. Bản Vĩnh Kim cũng là đơn vị tiên phong, góp phần đưa xã Hoa Sơn cán đích xây dựng NTM vào năm 2017”, ông Vi Huỳnh nói.
Cũng giống ông Huỳnh, ông Lương Văn Nghiêm, người dân trong bản khẳng định, nói về cách làm ăn, người bản Vĩnh Kim giờ không thua ai hết. Bản thân gia đình ông Nghiêm trồng hơn 1ha mía 19,7ha keo, nuôi thêm 10 con bò và 30 con dê… mỗi năm cũng đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Ông Nghiêm cũng kể, việc chinh phục vùng đất khó Vĩnh Kim là một quá trình dài, không ít khó khăn. Hồi đó, mảnh đất cơ nghiệp của ông toàn đá sỏi, cây dại mọc đan kín đầu người. Sau khi tạm dựng cho mình một chiếc lán để che mưa, che nắng, vợ chồng ông bắt đầu làm cỏ, phát quang bụi rậm rồi đào hố để kéo gần chục chuyến xe bò (xe bò kéo của địa phương) chở bầu giống vào trồng. Với nghị lực và sự chăm chỉ lao động nên đến nay mô hình kinh tế trang trại của ông đã cho thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng.
Cuộc sống ấm no
Sau 17 năm “ăn sương, nằm gió” nơi sơn cùng thủy tận, vợ chồng ông Nguyễn Quang Hợp (sinh năm 1964) cũng là một lão nông dám “quật đá làm giàu”. Thời điểm những năm 1990, ông đã từng cơm đùm cơm nắm khai hoang gần 5,5ha đất rừng xứ Khe Khuôm. Khi những giọt mồ hôi rơi trên sỏi đá, cũng là khi những vườn ngô, đậu, lạc... đội mầm vươn mình lớn dậy.
Vậy nhưng, khi những quả ngọt bắt đầu kết trái, cũng là khi gia đình ông đối diện với nhiều khó khăn trước sự biến động của thị trường, của những đợt hạn hán kéo dài khô cháy cả cỏ cây. Tưởng chừng mọi nỗ lực đi vào ngõ cụt, thì năm 2006, sau khi thăm quan mô hình trồng chè của người dân xã Hùng Sơn, ông Hợp chuyển sang thí điểm trồng chè.
Sau khi thí điểm trồng 5 sào thấy cây chè phát triển tốt cho thu nhập cao gia đình ông mở rộng diện tích lên 3,5ha. Tính đến nay, gia đình ông đã thâm canh cây chè được 10 năm, sản lượng thu nhập bình quân hằng năm đạt 90 tấn/năm. Trừ các chi phí hằng năm gia đình ông Hợp có lãi ròng từ 200-250 triệu đồng/năm. Mô hình trồng chè của ông Hợp không chỉ giúp gia đình vươn lên làm giàu chính đáng, mà còn lan tỏa tốt đối với người dân bản Vĩnh Kim.
Ở bản Vĩnh Kim không chỉ ông Nghiêm, ông Hợp mà thế hệ trẻ cũng có chí vươn lên làm giàu. Ông Lương Văn Thái, Trưởng bản Vĩnh Kim chia sẻ: Hiện nay, thế hệ trẻ của bản Vĩnh Kim chăm chỉ làm ăn phát triển kinh tế hộ tiêu biểu như anh Vi Tiến Anh (sinh năm 1980).
Năm 2006, khi người dân khu vực thị trấn huyện lỵ Anh Sơn bắt đầu bắt kịp các xu thế xây nhà kiểu mới, rồi lắp đặt hệ thống mái tôn, cửa sắt. Vì vậy, nhu cầu tìm kiếm nhóm thợ hàn xì ngày càng cao. Nhờ có hoa tay, lại chịu thương chịu khó, Vi Tiến Anh nhanh chóng trở thành thợ lành nghề và được nhiều gia đình gọi làm. Bên cạnh làm cửa sắt, mái tôn giờ đây, Vi Tiến Anh còn đứng ra mở nhiều dịch vụ hỗ trợ bà con trong bản sản xuất nông nghiệp như cho thuê máy cày, máy tuốt.
Theo Trưởng bản Lương Văn Thái, hiện nay người dân Vĩnh Kim đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Toàn bản có hơn 18ha đất nông nghiệp cùng với 50ha đất màu. Ngoài trồng lúa, bà con còn biết trồng ngô và hoa màu. Có phụ phẩm nông nghiệp, bà con lại phát triển thêm trâu, bò, lợn, còn gà thì hầu như nhà nào cũng có 40-50 con.
Chia tay người dân bản Vĩnh Kim, mà lòng khấp khởi mừng cho cuộc người dân ở đây đã đổi thay. Vùng đất khó đã được bàn tay và trí lực của đồng bào người dân tộc Thái nơi đây chinh phục. Ông Nguyễn Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Hoa Sơn tự hào: “bản Vĩnh Kim giờ chỉ còn 9 hộ nghèo trong tổng số 145 hộ. Nay Vĩnh Kim đã có những kênh mương nội đồng mang nước về tận ruộng, những cánh đồng mẫu lớn đã cho hạt thóc trĩu bông, những vườn keo, vườn chè đã tốt tươi bền vững”.
Bản Vĩnh Kim giờ chỉ còn 9 hộ nghèo trong tổng số 145 hộ. Nay Vĩnh Kim đã có những kênh mương nội đồng mang nước về tận ruộng, những cánh đồng mẫu lớn đã cho hạt thóc trĩu bông, những vườn keo, vườn chè đã tốt tươi bền vững”. (Ông Nguyễn Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Hoa Sơn)
THỨ QUỲNH