Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ caoCách đây 15 năm (năm 2003), trang trại Thu Thủy ở xã Nâm N’jang (huyện Đăk Song) được thành lập, tiên phong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) của tỉnh Đăk Nông. Trên diện tích 52ha, trang trại được xây dựng theo mô hình kinh tế tổng hợp; quy trình sản xuất khép kín theo hướng công nghệ cao, chất lượng tiêu chuẩn GAP hữu cơ toàn cầu.
Năm 2013, sản phẩm hồ tiêu của trang trại Thu Thủy được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu, đạt danh hiệu sản phẩm nông nghiệp nông thôn tỉnh Đăk Nông, đạt tiêu chuẩn tiêu sạch sinh thái FDA của Mỹ; năm 2015 đạt tiêu chuẩn GlobalGap… Nhiều năm qua sản phẩm của trang trại không chỉ có mặt trên thị trường trong nước mà còn xuất đến Mỹ, Hà Lan.
Tháng 10/2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã có chuyến thăm quan mô hình trang trại Thu Thủy. Đi dưới tán rừng nhiều loại gỗ quý, dây tiêu quấn quanh gốc, rồi đến những khu vực chăn nuôi bò cao sản, gà sinh thái, thủy sản, khu trồng rau hữu cơ và trại giun chuyên xử lý chất thải gia súc, gia cầm làm thức ăn cho cá và phân sạch bón cho cây trồng, Bộ trưởng đánh giá cao mô hình VAC khép kín được tổ chức sản xuất khoa học.
Điều đáng ghi nhận là, công nhân của trang trại chủ yếu là người DTTS, được đào tạo bài bản để làm việc phù hợp với mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. “Đăk Nông là tỉnh có nhiều đồng bào DTTS, đặc biệt đồng bào di cư đông nên việc sắp xếp dân cư tạo công ăn việc làm cho số lao động này lắm khó khăn. Trang trại Thu Thủy không chỉ hiệu quả về kinh tế và tạo công ăn việc làm ổn định cho vài chục người DTTS. Đăk Nông cần phát triển, nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhận xét.
Quy hoạch vùng nông nghiệp ƯDCNCĐăk Nông là tỉnh có nhiều thế mạnh về phát triển nông nghiệp với những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao như: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, cây ăn quả. Tính đến năm 2016, tỉnh Đăk Nông đã có gần 7.215ha cây dài ngày của 3.544 hộ đạt chứng nhận quốc tế 4C, UTZ, RA… Hiện đã có 11 tổ chức, cá nhân được thẩm định, xem xét cho phép đầu tư vào Khu nông nghiệp ƯDCNC và đang nhận mặt bằng để triển khai dự án. Từ năm 2010 đến nay, đã có 35 nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ƯDCNC, trong đó có 18 dự án đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương, với tổng số vốn 5.896 tỷ đồng.
Với mục tiêu, đưa nông nghiệp ƯDCNC là mũi nhọn, tháng 11/2017, tỉnh Đăk Nông phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý các Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Đăk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và “Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.
Theo đó, đến năm 2035, tỉnh Đăk Nông sẽ quy hoạch diện tích gần 31.000ha tại 8 huyện, thị xã để xây dựng các vùng phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như: cà phê (khoảng 20.000ha), hồ tiêu (4.250ha), cây ăn quả (bơ, sầu riêng, chanh dây…) khoảng 2.400ha… Tổng số vốn thực hiện dự kiến gần 2.700 tỷ đồng.
Theo ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, muốn phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giải pháp tối ưu là đẩy mạnh ƯDCNC từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển các vùng nông nghiệp ƯDCNC là vấn đề cấp thiết, phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh; phù hợp với thực tiễn để nâng cao giá trị các sản phẩm.
“Tuy nhiên, quy hoạch vùng nông nghiệp ƯDCNC cần bảo đảm được tính khả thi. Phải dựa trên những cơ sở khoa học, gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đồng thời phải được người dân ủng hộ, hưởng ứng thực hiện”, Phó Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh.
LÊ HƯỜNG