Tỉ mỉ từng công đoạn
Căn nhà nhỏ nằm khuất sau ngọn đồi lớn là nơi mà ông Đàm Xuân Hòa (63 tuổi, dân tộc Tày, ở phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng) vẫn đang ngày ngày miệt mài sáng tạo, hoàn thiện những cây đàn tính với mong muốn phổ biến nhạc cụ truyền thống tới nhiều người.
Đôi bàn tay thoăn thoắt, sáng tạo của ông khi làm đàn như ẩn chứa một sức mạnh dồi dào của người vẫn từng ngày lưu giữ “cái hồn” của văn hóa dân tộc. Ông Đàm Xuân Hoà cũng là một thành viên tích cực trong Hội thơ ca tỉnh Cao Bằng và Hội bảo tồn dân ca thành phố Cao Bằng. Ông có nhiều sáng tác hay về quê hương, đất nước và con người. Những câu hát then và cây đàn tính cũng luôn theo ông vào những buổi biểu diễn trong ngày lễ, ngày kỷ niệm quan trọng của của đất nước tại địa phương.
Ông Hòa kể: “Trước kia, ông nội của tôi từng làm nghề đi cầu an, trừ tà, Cao Bằng thường gọi là “làm bụt”. Cái nghề “bụt” ấy thường phải hát then rất nhiều. Do vậy, ngay từ nhỏ, tôi đã sớm được tiếp nhận và có niềm đam mê với hát then, đàn tính”.
Nâng niu cây đàn trên tay, ông Hòa hào hứng kể lại: “Ngay từ khi còn trẻ, ngoài những lúc làm việc, tôi vẫn thường tranh thủ làm đàn tính để chơi hoặc tặng cho người thân, họ hàng. Nhất là từ sau khi nghỉ hưu, về nhà mở xưởng mộc, tôi càng có điều kiện để sáng tạo. Vừa thoả đam mê đàn hát, lại có sẵn gỗ và máy móc nên tôi đã dành hết thời gian để làm đàn tính”.
Biết làm đàn tính đã được gần 50 năm, nhưng 10 năm trở lại đây ông Hòa mới có thời gian làm đàn để bán. Ông đã tìm cách chế tạo, cải tiến máy móc cũ từ xưởng mộc để phù hợp với từng công đoạn làm đàn. Nhờ có những chiếc máy tự chế mà việc làm đàn của ông Hòa trở nên nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều, hơn nữa đàn còn rất đẹp và bền. Mỗi tháng ông làm được khoảng 60 cây đàn, mỗi năm bán được khoảng 500 cây.
Theo ông Hòa, đàn tính có ba bộ phận chính là: Bầu đàn, cần đàn và dây đàn. Ngoài ra còn có các bộ phận nhỏ như ngựa đàn, kẹp cố định dây và chốt lên dây. Để làm được cây đàn tính phải trải qua rất nhiều công đoạn và đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ từ người làm đàn. Bầu đàn được làm từ quả bầu, cần đàn làm từ cây dẻ hoặc cây thừng mực, dây đàn thì làm bằng tơ xe.
Theo ông Hòa, làm đàn khó nhất là khâu chọn bầu. Quả bầu có chu vi từ 60- 70cm, không quá già, hái về cắt bỏ phần đầu và hạt rồi ngâm nước từ 5- 7 ngày, sau đó rửa sạch và phơi khô. Khi phơi phải úp miệng bầu xuống, nếu phơi ngửa miệng, bầu sẽ bị móp méo, bị hỏng.
Bầu phơi khô tiếp tục được ngâm vôi từ 2 đến 3 ngày giúp bầu cứng và không bị mọt. Bầu đàn ngâm xong được đục lỗ thoát âm xung quanh.
“Trước đây, lỗ thoát âm được đục ở đáy bầu. Tuy nhiên khi đánh thì phần đáy lại úp vào người, do đó mà âm thanh không vang. Từ đó mới tìm ra cách đục xung quanh bầu đàn”, ông Hòa cho biết thêm.
Mặt đàn thường được làm từ một vài cây gỗ mềm và nhẹ để tạo ra tiếng vang. Gỗ đem về giáp thật kỹ sao cho độ dày phù hợp nhất, khoảng 0,3cm rồi gắn lên miệng bầu.
Công đoạn tiếp theo là làm cần đàn. Đây là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ, từ cách chọn cây cho đến các hoa văn được khắc ở đỉnh đàn. Loại cây để làm cần đàn thường là cây gỗ dẻo như cây dẻ, cây thừng mực. Đỉnh đàn được điêu khắc tỉ mỉ hình ảnh đuôi rồng, một linh vật trong văn hóa người Việt Nam từ xa xưa.
Theo ông Hòa, một cây đàn hay phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước bầu, tuổi bầu, độ dày mặt đàn, lên dây chuẩn… Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả đó là kinh nghiệm và sự cảm thụ âm nhạc của người làm đàn. Ông Hòa không chỉ biết đàn mà còn biết hát then và nhiều làn điệu dân ca khác.
Bà Lương Thị Tâng, vợ ông Hòa kể: “Mỗi lần thử dây đàn là chồng tôi lại ca một đoạn then. Ngày nào vậy, ông cứ cặm cụi làm đến khuya, dù mọi người đã đi ngủ hết”.
Say mê giữ gìn văn hóa dân tộc
Với tâm huyết của mình, đàn tính của ông Hòa dường như đã trở thành thương hiệu với nhiều người gần xa. Người mua đàn của ông Hoà cũng rất nhiều, không chỉ người ở Cao Bằng mà ở các tỉnh lân cận như: Lạng Sơn, Bắc Kạn… cũng tìm ông để mua.
Đến mua đàn của ông Hoà, chị Nông Thị Ánh (Trùng Khánh, Cao Bằng) cho biết: “Tôi vẫn thường xuyên đến nhà ông Hòa mua đàn; những cây đàn tính của ông Hòa không chỉ có mẫu mã đẹp, bền, giá cả hợp lý mà âm thanh cũng rất tốt”.
Cứ như vậy, ngày ngày ông Hòa vẫn say mê với những cây đàn. Bên cạnh ông lúc nào cũng có chiếc đài phát thanh, mỗi khi làm ông đều bật lên để nghe hát then, hát lượn. Đó cũng là niềm vui trong cuộc sống của một người không chịu "ngơi chân ngơi tay" dù đã về hưu.
Ngoài làm đàn, ông Hòa còn có dạy lớp đàn tính nâng cao và sáng tác nhiều bài hát, nhất là các bài phục vụ những dịp kỷ niệm quan trọng của đất nước.
Giữa cuộc sống hiện đại, với nhiều dòng nhạc và nhạc cụ được du nhập mạnh mẽ, những người như ông Hòa đang góp phần không nhỏ cho việc bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc. Ông Hòa hy vọng trong tương lai không xa, cây đàn tính của ông sẽ đi được những chặng đường dài hơn, đến được với nhiều người hơn, để những giai điệu dân tộc sẽ lan tỏa sâu hơn trong cuộc sống./.