Sự mong mỏi trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” của một loài cá khiến chúng ta liên tưởng đến tổ ấm gia đình, nơi mà chúng ta gọi nôm na là Nhà.
Dù bao sóng gió thăng trầm, Nhà vẫn là điểm xuất phát, nhưng cũng là chốn về không bao giờ ghét bỏ; dẫu xã hội có buông tay, người ngoài ghẻ lạnh.
Nhưng cuộc sống xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đang là nguy cơ khiến Nhà không còn là chốn bình yên.
Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ gia tăng, để lại hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới.
Tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng ngày càng gia tăng mạnh mẽ đến mức báo động. Các giá trị văn hóa truyền thống gia đình tốt đẹp của người Việt Nam đang có biểu hiện xuống cấp, mai một. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm… đã và đang xâm nhập vào các gia đình…
Cách đây 17 năm, ngày 04/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, lấy ngày 28/6 hằng năm là “Ngày Gia đình Việt Nam”. “Ngày Gia đình Việt Nam” không chỉ là cơ hội để mỗi người con hướng về tổ ấm, mà còn là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những vấn đề của gia đình hiện đại.
Trước rất nhiều thách thức cho mỗi tổ ấm, “Ngày Gia đình Việt Nam” là một sự nhắc nhở. Cuộc sống âu lo với cơm-áo-gạo-tiền, điều ấy ai cũng thấu hiểu và sẻ chia. Nhưng trong cuộc sống đâu chỉ có chừng đó. Chỉ vì “cái Tôi” của mỗi cá nhân mà để bếp lửa nhà mình nguội lạnh. Có đáng không?
Hãy thấu hiểu và sẻ chia; thậm chí hy sinh cá nhân, tiết chế “cái Tôi” của mình. Để sau bao bộn bề lo toan, chúng ta được trở về.
Sỹ Hào