Hơn một lần tôi đã được đến thăm các hộ đồng bào tái định cư thủy điện Hủa Na, thuộc các xã Đồng Văn và Tiền Phong (huyện Quế Phong). Cứ mỗi lần đến là thêm trải nghiệm với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Còn nhớ cách đây hơn 8 năm, khi chính quyền vận động bà con chuyển đến chỗ ở mới nhường đất cho công trình thủy điện gặp muôn vàn khó khăn. Đồng bào Thái nơi đây không muốn rời nơi chôn rau cắt rốn của họ.
Thời điểm này ông Lữ Đình Thi còn là Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, ông Thi nói rằng, đây là cuộc “cách mạng” về di dân vì vậy phải chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền vận động nhân dân về chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách của Nhà nước để dân nghe tin tưởng và làm theo.
Theo thời gian, sự nỗ lực của các cấp chính quyền cũng đã thành công. Hơn 1.400 hộ dân đã chuyển về tái định cư ở 11 điểm thuộc 2 xã Đồng Văn và Tiền Phong. Cuộc sống của người dân nay đã ổn định, nhiều mô hình kinh tế của các hộ dân đã hình thành…
Ông Hà Văn Phước, Trưởng bản Piêng Cu 2, xã Đồng Văn kể rằng: Ngày mới chuyển về ở đây cuộc sống bà con còn bỡ ngỡ, chưa biết làm gì để mưu sinh nhưng nay 65 hộ dân đồng bào Thái ở đây đã ổn định. Bà con đã biết trồng lúa nước và chăn nuôi. Chia sẻ về bản thân, gia đình, ông nói là người đảng viên ông rất ý thức gương mẫu trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong phát triển kinh tế. Để kinh tế ổn định, gia đình ông Phước đã cải tạo đất trồng mía, trồng ngô, mua máy bơm, máy cày, máy xát gạo về phục vụ sản xuất; mạnh dạn vay vốn để mua ô tô chở nguyên liệu phục vụ bà con trong bản… Hiện nay thu nhập của gia đình của ông thuộc hạng khá của bản.
Ông Hà Văn Phước bảo, mình già rồi nên phải động viên con cháu nỗ lực làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Ở Piêng Cu, những người trẻ bây giờ đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, siêng năng, chịu khó với nhiều mô hình khởi nghiệp điển hình của thanh niên.
Theo chỉ dẫn của ông Phước đến thăm mô hình làm kinh tế của anh Lang Văn Mão (31 tuổi), một thanh niên người Thái ở bản Piềng Văn. Sinh ra và lớn lên ở khu vực lòng hồ, anh tâm sự: Ngày mới chuyển chỗ ở, thời gian đầu gia đình anh như mất phương hướng nghĩ mãi để tìm sinh kế tạo việc làm có thu nhập cho gia đình. Thế rồi, cơ hội cũng đã đến, đó là khu đồi được xem như ốc đảo nằm giữa lòng hồ hiện đang bỏ hoang nên anh đã xin chính quyền cho phép ra đây để phát triển kinh tế. Nói rồi anh chỉ cho tôi khoảng xanh mờ trước mặt, cách bờ hồ chừng gần một cây số. Đó là hòn đảo của gia đình anh Mão cải tạo.
Ban đầu, hòn đảo nhỏ chỉ vỏn vẹn vài ha là nơi anh chọn làm chỗ ở và nơi ngư cụ. Sau này, nhận thấy nơi này có thể “làm được nhiều việc hơn”, anh quyết định dựng chòi làm trang trại. Trên đảo giờ có một ngôi nhà sàn gỗ lợp mái lá. Anh ở đây cùng vợ và con gái nhỏ mới 2 tuổi.
Hiện tại, anh Mão chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá và khai thác nứa lùng. Anh có khoảng 3ha lùng khoanh nuôi, bảo vệ, chia làm 3 lô nhỏ, mỗi năm chỉ khai thác 1 lô. Với cách làm này, nứa lùng sẽ không bị cạn kiệt, cứ sau 2 năm, khi cây lùng đã già, anh mới trở lại với lô khoảnh đã chia để khai thác. Mỗi ngày anh thu nhập từ 300 – 500 nghìn đồng từ bán nứa lùng. Gia đình anh cũng có thêm khoảng chừng ấy thu nhập từ việc đánh cá ở hồ.
Cũng giống như anh Mão, anh Vi Văn Bảy là người tiên phong trong phát triển chăn nuôi nơi vùng lòng hồ này. Anh đã mạnh dạn bỏ vốn trên 100 triệu đồng đi Hà Nội mua giống lợn rừng thuần chủng, sắm thuyền làm phương tiện vừa để đi lại, vừa đánh cá. Sau đó tự tay phát quang, dựng chòi lập trang trại.
Anh Bảy chia sẻ, anh không sợ khổ, chỉ sợ nghèo đói. Vì thế, anh quyết tâm làm kinh tế bằng mồ hôi và công sức mình. Đàn lợn dự kiến sang năm 2019 sẽ cho thu nhập vì thế hiện tại anh kết hợp chăn nuôi dê, gà… để lấy ngắn nuôi dài…
Trong một lần đến thăm các mô hình làm kinh tế của người dân ở khu TĐC thủy điện Hủa Na, ông Vi Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong đã khẳng định, mặc dù đang bắt đầu và trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với các mô hình kinh tế của những thanh niên dám nghĩ dám làm nơi lòng hồ thủy điện Hủa Na đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, khơi dậy tư duy sản xuất cho bà con nơi đây.
Hy vọng với sự nỗ lực của người dân và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, cuộc sống của người dân khu vực lòng hồ sẽ ngày càng khởi sắc...
MINH THỨ