Xử phạt đối tượng thông tin sai về vải thiều bị ép giá!
Bắc Giang có hơn 28.000ha vải thiều. Theo kế hoạch, trái vải thu hái từ 2/3 diện tích đất trồng vải sẽ xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, Trung Quốc. Trong quá trình chăm sóc cây và trái vải đều được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Năm nay, vải thiều được mùa trong khi dịch COVID-19 trên địa bàn Bắc Giang diễn biến phức tạp chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc tiêu thụ trái vải.
Chị Phạm Thị Xuyến, chủ vườn vải ở Lục Ngạn cho biết, giá vải thiều chị đang bán tại vườn dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Hiện, vải đang được các thương lái và các tổ chức… thu mua để xuất khẩu đến các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, Mỹ và tiêu thụ nội địa. Việc thu mua đang diễn ra rất suôn sẻ, không có chuyện phải “giải cứu”!
Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng có Công văn gửi Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị hỗ trợ thông tin, tuyên truyền tiêu thụ nông sản của tỉnh. Bắc Giang cũng đề nghị các cơ quan báo chí không dùng từ "giải cứu" nông sản, đặc biệt là vải thiều vì cứ xuất hiện tin, bài có từ "giải cứu" là giá nông sản giảm.
Trước đó, ngày 27/5, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin một nông dân đi bán vải thiều ở phố Kim, xã Phượng Sơn (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) bị thương lái ép giá từ 8.000 đồng/kg xuống 2.000 đồng/kg.
Trao đổi với báo chí ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, bác bỏ thông tin trên, và cho biết Sở đã đề nghị quản lý thị trường cùng Công an huyện Lục Ngạn vào cuộc làm rõ thông tin trên.
Ngay tối 27/5, Công an huyện Lục Ngạn đã xác định, tài khoản “Minh Leo” của Lê Văn Minh đã đăng tải thông tin bị cơ sở thu mua của bà Nguyễn Thị Hương, tại xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn ép giá vải thiều xuống còn 2.000 đồng/kg. Tại cơ quan công an, Minh đã thừa nhận sử dụng Facebook cá nhân để đăng tải nội dung sai sự thật về giá bán vải thiều, gây hoang mang trong dư luận.
Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Lê Văn Minh 5 triệu đồng, theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Lê Văn Minh đã nhận thức được hành vi và gỡ bỏ bài viết, đính chính lại thông tin, cam kết không tái phạm.
Hướng đi "sáng" cho vải thiều
Tỉnh Bắc Giang đã chủ động nhiều phương án, kịch bản tiêu thụ cho nông sản chủ lực này. Cụ thể, đã xây dựng vùng vải thiều an toàn không COVID-19. Ở đó, những đối tượng F1 đều được cách ly tập trung, tại vùng vải không có khu cách ly. Tỉnh lập các chốt kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào địa bàn để sớm khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh; xét nghiệm COVID-19 nhanh đối với lái xe, lao động, thương nhân đến thu mua vải.
Cùng với đó, tỉnh đã thành lập 2 tổ công tác tại cửa khẩu của 2 tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai để hỗ trợ thông quan xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc; kết nối với các tập đoàn phân phối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nhằm đưa quả vải lên kênh phân phối này.
Thời gian này, vải thiều đã vào vụ thu hoạch chính. Đây là nông sản khó bảo quản, do vậy áp lực thu hoạch rất lớn, trong khi nguồn nhân lực lo thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ hiện nay rất khó khăn. Khó khăn của tỉnh hiện nay là, khâu vận chuyển trái vải bởi do dịch COVID-19…
Vì vậy, Bắc Giang rất cần các cấp, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho phép các xe vận chuyển vải thiều được lưu thông đến nơi tiêu thụ, cấp giấy thông hành cho những chuyến xe an toàn chở vải thiều qua các chốt kiểm dịch, giảm thời gian kiểm tra COVID-19, giúp đỡ các thủ tục liên quan đến việc thông thương qua các cửa khẩu được nhanh chóng.
Theo thông tin từ Sở Công Thương (Bắc Giang), gần 1 tuần nay, lượng vải sớm Bắc Giang xuất khẩu qua cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày xuất khẩu khoảng 1 nghìn tấn.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Tổ trưởng Tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn thông tin, dự báo trong những ngày tới, vào thu hoạch chính vụ, lượng vải thiều xuất khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn sẽ tăng mạnh, ước tính khoảng 1,5 nghìn tấn/ngày.
Được biết, Bắc Giang đã tính tới trường hợp xấu nhất là sấy vải. Huyện Lục Ngạn hiện có khoảng 2.000 lò sấy, đây được xem là phương án cuối cùng.