Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP với tầm nhìn đến năm 2100 nhằm đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng. Theo đó, mục tiêu đến năm 2050 Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 9% (so với 4,3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển.
Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 120, đến nay, khoảng 18.000 tỷ đồng đã có kế hoạch bố trí để triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp thống nhất các quy hoạch ngành, địa phương và sản phẩm chủ lực. Các phương án quy hoạch sử dụng đất, tài nguyên nước, giao thông vận tải thích ứng với biến đổi khí hậu; Quy hoạch thủy lợi phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” và khai thác hợp lý tiềm năng tài nguyên nước lợ, nước mặn ở vùng ven biển phục vụ phát triển kinh tế-xã hội…
Có thể khẳng định, Nghị quyết số 120 là bước đột phá về đổi mới tư duy tiếp cận, nhưng thời gian qua việc thực hiện tại một số cơ quan, địa phương chưa thực sự đổi mới theo tinh thần Nghị quyết, vẫn còn trông chờ vào hướng dẫn và nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương. Cách tiếp cận dựa vào nội lực chưa được đề cao, chưa huy động được sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân…
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thể chế, chính sách triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết 120 vẫn còn chậm, nhất là các chính sách đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt tại Đồng bằng sông Cửu Long, một số chính sách đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống vì chưa đồng bộ với nguồn lực thực hiện; còn thiếu quy định về cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan.
Bởi vậy, việc Tổ chức Hội nghị lần thứ 2 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa hết sức quan trọng.
BTK (TH)