Bản Sin Súi Hồ, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ có 103 hộ đồng bào dân tộc Mông. Theo ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Súi Hồ, trước đây, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên thường xuyên xảy ra. Cũng vì thế, dù là một điểm bản du lịch cộng đồng, một “Sa Pa của Lai Châu” nhưng Sin Súi Hồ vẫn có nhiều hộ thuộc diện nghèo.
Trước tình trạng đó, bản Sin Súi Hồ đã đưa nội dung kế hoạch hóa gia đình vào hương ước của bản. Theo đó, những gia đình sinh con thứ 3 trở lên sẽ không được bản xét đạt gia đình văn hóa; ít cơ hội tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước… Còn với những gia đình thực hiện đúng hương ước, thì được tuyên dương trong các buổi họp thôn bản, cũng như ưu tiên thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Nhờ đó, tình trạng sinh con thứ ba trở lên ở bản Sin Súi Hồ giảm dần theo năm. Từ năm 2016 đến nay, bản đã không còn trường hợp nào “vỡ kế hoạch”.
Gia đình chị Sùng Thị Mỷ, bản Sin Súi Hồ đã có 2 cô con gái, chồng thì vẫn luôn muốn có một cậu con trai trong gia đình. Thế nhưng, được sự tuyên truyền của cán bộ xã cũng như bản, chị Mỷ và chồng đã thay đổi suy nghĩ, tập trung vào phát triển kinh tế, chăm lo cho các con.
Chị Mỷ chia sẻ: “Hương ước của bản đã quy định không được sinh con thứ 3 trở lên, cả bản ai cũng thực hiện nên mình cũng làm theo. Nhờ đó mà cuộc sống cũng đỡ vất vả, có điều kiện chăm sóc các con tốt hơn”.
Cũng như bản Sin Súi Hồ, toàn xã Sin Súi Hồ cũng đang giảm dần tình trạng sinh con thứ ba trở lên nhờ đưa nội dung kế hoạch hóa gia đình vào hương ước, quy ước của các thôn bản. Theo ông Sùng A Lùng, Phó Chủ tịch UBND xã Sin Súi Hồ, là xã vùng cao biên giới của huyện Phong Thổ, đồng bào nơi đây chủ yếu là bà con dân tộc Mông và Dao sinh sống; tư tưởng sinh con trai để nối dõi tông đường luôn tồn tại trong đại bộ phận người dân nơi đây.
“Trước đây, mỗi năm xã cũng có vài ba chục trường hợp. Để hạn chế, các bản của xã đã đưa vấn đề này vào hương ước, quy ước của bản. Nhờ có quy ước, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên đã giảm đáng kể”, ông Lùng cho hay.
Cùng với việc đưa nội dung kế hoạch hóa gia đình vào hương ước, quy ước của các thôn bản, xã Sin Súi Hồ còn thành lập nhiều mô hình truyền thông mới có hiệu quả, như Câu lạc bộ không sinh con thứ 3, Câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản… Các mô hình này đã tạo hiệu ứng, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Ông Sùng A Lung cho biết thêm: “Nhờ thực hiện hiệu quả kế hoạch hóa gia đình mà cuộc sống của người dân ngày càng ổn định. Đến nay, thu nhập bình quân trong xã đạt 15 triệu đồng/người/năm; bình quân lương thực đạt 730kg/người…”.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND xã, công tác kế hoạch hóa gia đình, nhất là trong tuyên truyền, vận động vẫn còn nhiều khó khăn. Là địa bàn rộng lớn gồm 11 bản với gần 800 hộ dân, đa phần là người DTTS, để có thể thay đổi được quan điểm của người dân không phải là chuyện một sớm một chiều.
HOÀNG QUÝ