Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thu nhập khá từ việc trồng và bảo vệ cây sim tự nhiên

PV - 11:53, 12/11/2018

Với lợi thế diện tích đất rừng lớn, thời gian qua, nhiều người dân xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vừa tiến hành trồng, vừa bảo vệ diện tích cây sim tự nhiên. Hướng đi này đã và đang mang lại thu nhập khá, góp phần cải thiện cuộc sống cho các hộ gia đình…

Anh Hồ Văn Đức ở thôn Nguồn Rào, xã Hướng Sơn cho biết: Gia đình anh có 3ha đất rừng sản xuất, trước đây là diện tích đồi núi trọc nên cây sim tự nhiên mọc khá nhiều. Sau khi chuyển đổi sang trồng cây bời lời, anh vẫn để lại sim không phá bỏ hoàn toàn. Nơi nào thưa cây, anh trồng xen vào. Hiện nay, sim đã cho thu nhập. Bình quân mỗi vụ sim gia đình anh bán được từ 15 đến 20 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể đối với hộ dân ở miền núi Hướng Sơn.

Sau khi thu hoạch người dân lựa chọn sim đạt tiêu chuẩn để bán cho thương lái. ( Ảnh: Anh Tuấn) Sau khi thu hoạch người dân lựa chọn sim đạt tiêu chuẩn để bán cho thương lái. ( Ảnh: Anh Tuấn)

Là người đi đầu trong thôn Nguồn Rào về khoanh nuôi bảo vệ và trồng cây sim tự nhiên, chị Hồ Thị Chúa chia sẻ: Nhận thấy cây sim có giá trị kinh tế nên năm 2017, gia đình chị đã tiến hành khoanh vùng diện tích rừng sim ở gần nhà, không cho người trong xã chăn thả trâu, bò, dê làm hư hại cây sim, đảm bảo cho cây phát triển tốt. Hiện nay, diện tích gia đình chị khoanh vùng hơn 4ha, ước tính vụ sim này, gia đình chị sẽ thu hoạch được hơn 20 tạ với giá 20.000 đồng/kg thì mỗi vụ sim đem lại thu nhập 40 triệu đồng.

Qua tìm hiểu trái sim có nguồn gốc tự nhiên, rất sạch lại có tác dụng chữa bệnh, tốt cho sức khỏe nên nhiều người có nhu cầu mua về ngâm rượu để chữa bệnh, ngâm đường làm nước giải khát… ngày càng cao. Trong khi đó, trồng sim và khoanh nuôi bảo vệ ít phải bỏ chi phí đầu tư có thể trồng dưới tán cây bời lời hoặc cây keo không phí diện tích và đảm bảo được độ ẩm cho đất. Theo nhiều người dân, đây là lợi ích kép mà người dân Hướng Sơn đang nhân rộng. Hiện nay, người dân ở Hướng Sơn đã ý thức được bảo vệ cây sim; thậm chí họ còn tìm giống về trồng ở vườn nhà để tiện bề chăm sóc…

Điều ghi nhận là, người trồng sim ở Hướng Sơn không phải lo khâu tiêu thụ sản phẩm. Nhận thấy quả sim là loại trái cây dễ tiêu thụ, anh Hồ Văn Síp, một thương lái trong xã đã đứng ra thu mua cho người dân Hướng Sơn. Từ đầu mùa đến nay, anh thu mua gần 10 tạ sim. Số sim này, anh đưa ra chợ Khe Sanh hoặc về Đông Hà bán lại, với giá từ 20-25 nghìn đồng/kg.

Anh cho biết, hiện khách hàng đặt mua sim nhiều, cung không đủ cầu. Được biết, ngoài anh Síp, nhiều thương lái khác ở các xã trong huyện cũng vào Hướng Sơn thu mua sim nên đầu ra cho trái rừng này luôn đảm bảo.

Theo ông Xa Râng Văn Phao, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn, tuy chưa có số liệu thống kê, nhưng xã Hướng Sơn là địa phương có diện tích sim khá lớn. Hiện có khoảng 70/464 hộ tham gia trồng, khoanh vùng, bảo vệ diện tích sim tự nhiên. Nhờ vào việc tăng cường trồng sim và bảo vệ sim nên có hộ thu nhập lên đến 20 triệu đồng hộ/vụ, hộ thấp nhất cũng khoảng 5 triệu đồng/vụ. Đây được xem là giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả trong điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết khắc nghiệt.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp huyện đang khảo sát diện tích đất rừng, thổ nhưỡng ở một số địa phương để xây dựng mô hình trồng sim. “Nếu thành công, huyện sẽ nhân rộng mô hình nhằm tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho sản phẩm sim sẽ được chú ý, tránh tình trạng phát triển ồ ạt dẫn đến việc “cung nhiều hơn cầu”, ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa thông tin.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thì việc khai thác phát huy hiệu quả Dự án 7, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình..., đang được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An.