Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thấy gì từ hệ thống các trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú

PV - 09:38, 05/10/2018

Để thu hút học viên, các trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú (TCNDTNT) chủ yếu dựa vào chính sách nội trú dành cho người học. Tuy nhiên, với sự biến động về phạm vi, đối tượng thụ hưởng chính sách, nhiều trường TCNDTNT rất gian nan trong việc bảo đảm chỉ tiêu đào tạo nghề.

Bài 2: Gian nan tuyển sinh

Khó đảm bảo chỉ tiêu

Nhiều năm nay học viên là người DTTS ở các trường TCNDTNT được hưởng chính sách nội trú theo Quyết định 267/2005/QĐ-TTg, ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, học viên được miễn học phí, được hỗ trợ kinh phí ăn ở, được cấp học bổng hằng tháng, được hỗ trợ tiền mua học phẩm, tiền tàu xe đi lại, tiền lễ tết,…

Theo Quyết định 267/2005/QĐ-TTg, đối tượng được thụ hưởng chính sách nội trú tương đối rộng, cả học sinh DTTS lẫn học sinh dân tộc Kinh; không bắt buộc là học sinh phải thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, sinh sống ở địa bàn ĐBKK. Nhưng điều kiện bắt buộc là phải tốt nghiệp các trường phổ thông DTNT.

Số lượng học viên ở các trường TCNDTNT thường rất hạn chế. (Trong ảnh: Một lớp học may thời trang tại Trường TCN DTNT tỉnh Nghệ An-Ảnh tư liệu) Số lượng học viên ở các trường TCNDTNT thường rất hạn chế. (Trong ảnh: Một lớp học may thời trang tại Trường TCN DTNT tỉnh Nghệ An-Ảnh tư liệu)

Điều kiện này nghe qua thì rất đơn giản, nhưng trên thực tế lại là một rào cản để các trường TCNDTNT bảo đảm chỉ tiêu đào tạo hàng năm. Bởi, số lượng học sinh được học tại các trường phổ thông DTNT chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn.

Theo số liệu của Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cả nước hiện có 314 trường phổ thông DTNT tại 50 tỉnh, thành phố (trong đó có 3 trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 51 trường cấp tỉnh, 260 trường cấp huyện); hiện đang thực hiện đào tạo nội trú cho khoảng 90 nghìn học sinh (cả cấp THCS và THPT). Số học sinh nội trú này chỉ chiếm khoảng 8% số học sinh DTTS cấp THCS và THPT của cả nước.

Điều này khiến cho số lượng “đầu vào” các trường TCNDTNT rất hạn chế. Như ở Nghệ An, theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, bình quân mỗi năm, ở 11 huyện miền núi, đông đồng bào DTTS sinh sống của tỉnh có khoảng 6.500-7.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 8-12% số học sinh đủ điều kiện để thụ hưởng chính sách nội trú khi tham gia vào các trường nghề, trong đó có trường TCNDTNT tỉnh.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vắng bóng học viên ở trường TCNDTNT tỉnh Nghệ An trong những năm học vừa qua. Ngay trong năm học đầu tiên, Trường tuyển sinh (2010-2011) thì chỉ có chưa đầy 100 em theo học. Để bảo đảm chỉ tiêu đào tạo, nhà trường phải vận chuyển máy móc, thiết bị về tận thôn, tận xã để dạy các lớp nghề sơ cấp hoặc dạy nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, trong khi cơ sở vật chất của trường được đầu tư rất khang trang nhưng lại bỏ trống.

Sửa vẫn vướng!

Không chỉ riêng các trường TCNDTNT mà với các trường nghề khác cũng bị vướng bởi quy định này. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng học sinh DTTS sau khi tốt nghiệp THCS (hoặc THPT) tham gia vào các trường nghề rất hạn chế.

Như ở Gia Lai, số liệu tại Hội thảo về công tác phân luồng học sinh sau THCS tại vùng đồng bào DTTS trên địa bàn được tổ chức tháng 6/2018 cho thấy, bình quân mỗi năm toàn tỉnh có gần 19 nghìn học sinh DTTS học lớp 9; tuy nhiên chỉ có khoảng 19% được phân luồng tham gia học nghề. Đặc biệt, có đến 32-35% số học sinh DTTS học hết lớp 9, không tiếp tục tham gia học tiếp THPT và học nghề mà quay về lao động cùng gia đình.

Để giải quyết những vướng mắc, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg, ngày 20/10/2015 về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp nghề. Ngoài việc nâng định mức hỗ trợ; đối tượng thụ hưởng chính sách nội trú tại các trường nghề cũng được mở rộng hơn.

Theo đó, cùng với học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông DTNT thì học sinh, sinh viên DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật và học sinh, sinh viên người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK, vùng DTTS, biên giới, hải đảo cũng được nhận học bổng hằng tháng.

Tuy nhiên, điểm vướng của chính sách là ở quy định nguồn kinh phí để thực hiện. Theo Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC, ngày 16/6/2016 hướng dẫn thực hiện Quyết định 53/2015/QĐ-TTg thì hàng năm, các địa phương báo cáo tổng hợp kinh phí thực hiện chính sách nội trú gửi các Bộ, ngành liên quan; trên cơ sở đó Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền cấp kinh phí thực hiện.

Còn trước đó, thực hiện Quyết định 267/2005/QĐ-TTg, kinh phí thực hiện chính sách nội trú do ngân sách địa phương bảo đảm từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục-đào tạo và dạy nghề được giao hàng năm; ngân sách Trung ương chỉ bổ sung có mục tiêu cho địa phương.

Hiểu nôm na, theo Quyết định 267/2005/QĐ-TTg thì địa phương được tự chủ kinh phí thực hiện chính sách nội trú; còn theo Quyết định 53/2015/QĐ-TTg thì địa phương không được tự quyết. Điều này dẫn tới thực trạng, nhiều học viên tại các trường TCNDTNT đang được hưởng chính sách nội trú đã bị cắt chế độ; không ít học sinh, sinh viên thuộc gia đình nghèo buộc phải nghỉ học giữa chừng.

Như ở trường TCNDTNT tỉnh An Giang, nhiều học sinh DTTS của trường không còn được hưởng học bổng. Riêng năm học 2016-2017 (năm học đầu tiên thực hiện Quyết định 53/2015/QĐ-TTg), trong số 132 học viên đang hưởng chính sách học bổng thì có đến 99 học viên bị cắt. Do không được hỗ trợ nên đến tháng 9/2016, trong 99 học viên bị cắt học bổng đã có 33 học viên nghỉ học.

Sau gần 3 năm thực hiện chính sách nội trú theo Quyết định 53/2015/QĐ-TTg, hiện vẫn chưa có một cuộc khảo sát nào được thực hiện để đánh giá ưu/nhược điểm. Tuy nhiên, ở một số địa phương cũng đã xuất hiện những bất cập. Ngoài thực trạng như ở Trường TCNDTNT tỉnh An Giang nêu trên thì ở một số trường tại Kon Tum, Quảng Ngãi,… học viên được thụ hưởng chính sách luôn phải chờ đợi chế độ do kinh phí Trung ương cấp chậm.

Đáng chú ý, không chỉ học viên mà ngay cả giáo viên ở các trường TCNDTNT vốn được xác định là các trường chuyên biệt, việc thực hiện các chính sách ưu đãi cũng đang tồn tại nhiều vướng mắc. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh những nội dung này trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.