Tăng trưởng cao nhất hơn 1 thập niên qua
Năm 2018 khép lại trong niềm hân hoan khi các chỉ số kinh tế chốt lại đều rất đáng mừng: Tăng trưởng GDP đạt 7,08%-cao nhất kể từ năm 2008; tất cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nâng quy mô GDP lên hơn 45 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.587USD, tăng gần 200USD so với năm 2017; thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với năm 2017, nhưng vốn FDI giải ngân đạt tới 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm ngoái-mức giải ngân kỷ lục trong vòng 30 năm thu hút FDI của Việt Nam; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 480,16 tỷ USD, tăng 12,2%, trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 243,48 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017, xuất siêu hơn 7 tỷ USD… Đáng chú ý, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%, chỉ số giá tiêu dùng duy trì ở mức 3,54%.
Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, nợ công có xu hướng giảm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 35% GDP, bội chi ngân sách ở mức bình thường, tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều ước tính còn khoảng 6,8% dân số…
Có thể khẳng định rằng, năm 2018 đánh dấu bước tăng trưởng nhảy vọt, vô cùng ý nghĩa, bởi đây chính là năm bản lề trong thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, cũng như Chiến lược 10 năm 2011-2020. Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, ngày 28/12/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Với kết quả đạt được của năm 2018, tình hình đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong 3 năm 2016-2018 phát triển đúng hướng, chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện... Dự báo chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 mà Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra”.
Tuy nhiên, không thể vì những thành quả đạt được đáng tự hào mà chúng ta “ngủ quên”, dừng lại, bởi như vậy sự tuột dốc về đà tăng trưởng kinh tế dễ xảy ra, nhất là trong điều kiện tình hình trong nước và quốc tế có nhiều sự tác động liên thông trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng. Thế nên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta xác định rõ năm 2019 là năm tăng tốc, bứt phá trên mọi lĩnh vực”.
Làm gì để tăng tốc, bứt phá?
Với những con số biết nói ấy, tại sao chúng ta lại đặt ra một số chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch 2019 lại thấp hơn năm 2018, ví như tốc độ tăng trưởng GDP chỉ là 6,6-6,8% (so với 7,08%), tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ là 7-8% (so với 13,8%)...
Có thể khẳng định rằng, trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới nhiều biến động, khó lường, đặc biệt liên quan tới diễn biến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; những khó khăn, thách thức hay cơ hội mở ra là không dễ dự báo, nắm bắt. Vì vậy, việc đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP cũng như kim ngạch xuất khẩu, thu hút vốn FDI… là không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đều giảm tốc, sự dịch chuyển chiến lược kinh tế của những “ông lớn” kinh tế thế giới khó đoán định. Và tất cả những sự dịch chuyển, biến động của kinh tế thế giới đều có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến “sức khỏe” nền kinh tế Việt Nam, nhất là khi chúng ta phụ thuộc khá lớn vào FDI.
Theo các chuyên gia kinh tế trong nước cũng như trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập cần khắc phục, như: Mô hình tăng trưởng chuyển đổi còn chậm; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; sức chống chịu trước những biến động kinh tế thế giới chưa cao; ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển mạnh; chưa tham gia nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; chưa tạo niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư nước ngoài khi sự công khai, minh bạch trong nền kinh tế chưa thật sáng rõ, sự ổn định về chính sách chưa bền vững; trình độ, năng suất lao động chưa cao…
Trong bài viết nhân dịp năm mới 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến những kết quả toàn diện đất nước đạt được trong năm qua, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ cho năm mới. Theo Thủ tướng, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, nội dung trọng tâm chỉ đạo, điều hành sẽ là: Tập trung phát triển kinh tế; chú trọng củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng; quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn tài sản công, nợ công; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, đẩy mạnh cơ cấu lại, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; khẩn trương hoàn thiện pháp luật về đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện, giải ngân ngay từ đầu năm…
Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập đến các “nút thắt” có thể kìm hãm sự tăng trưởng, phát triển kinh tế. Thủ tướng khẳng định, cần “tập trung rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật để triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết”.
Bên cạnh đó, cần “tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; cắt giảm, đơn giản hóa trên 1/2 điều kiện kinh doanh và trên 2/3 danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tổ chức nhiều hội nghị quy mô toàn quốc về thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu, đầu tư, logistics, tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế ngành, vùng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phòng chống thiên tai, phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ..., góp phần tạo động lực cho tăng trưởng”.
NGUYỄN TRI THỨC