Khó tránh rủi roNăm 2011, đang làm chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy Điện Biên, Phạm Anh Dũng (sinh năm 1983, ở Đội 7, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên) xin nghỉ việc để làm trang trại. Ở thời điểm đó, quyết định của Dũng là rất táo bạo, nhiều người nghĩ anh… có vấn đề!
Nhưng với anh Dũng, đó không phải là suy nghĩ nhất thời mà là một sự tính toán kỹ lưỡng từ niềm đam mê làm nông nghiệp. Trên phần đất canh tác của gia đình, anh trồng gấc và đinh lăng. Năm 2013, thế chấp sổ đỏ nhà đất vay ngân hàng 500 triệu đồng, anh mở rộng quy mô trang trại, trồng gần 1.000 trụ gấc. Sau ba năm, các trụ gấc chuẩn bị cho thu hoạch, với sản lượng lớn, có những quả đạt trọng lượng 5-6 kg; đinh lăng cũng đã được một năm tuổi thì một trận bão mạnh gần như xóa sạch công sức của Dũng.
“Các trụ gấc đổ bê tông lõi thép nhưng vẫn không chịu được bão, đổ gãy hết. Đinh lăng trồng dưới dàn gấc nên khi trụ đổ, toàn bộ đinh lăng cũng bị đè gãy hết”. Chán nản lắm!”, Phạm Anh Dũng chia sẻ.
Cũng như Phạm Anh Dũng, nhiều thanh niên ở miền núi, vùng đồng bào DTTS, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, khi khởi sự sản xuất kinh doanh thì gặp phải những “trái đắng”. Bởi lẽ, phần lớn thanh niên ở khu vực này đều chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp; do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên độ rủi ro rất cao.
Như trường hợp của anh Chảo Láo Tả, ở thôn Linh Giang, xã Nậm Chạc (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Với khát vọng thoát nghèo, năm 2017, Chảo Láo Tả quyết tâm đầu tư để phát triển mô hình chăn nuôi dê. Để có vốn, anh chỉ trông chờ vào diện tích ngô và lúa đang chuẩn bị thu hoạch. Nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 năm 2017, toàn bộ diện tích ruộng của gia đình Tả bị đất đá vùi lấp hoàn toàn. Trước đó, gần như toàn bộ diện tích ngô cũng thất thu vì nắng hạn.
Biết cách kiểm soát khủng hoảngRủi ro trong khởi nghiệp của thanh niên vùng DTTS và miền núi là điều không thể tránh khỏi. Và khi thất bại, không ít thanh niên lâm vào khủng hoảng. Nếu không có cách để vượt qua thì điều này sẽ làm thui chột tinh thần khởi nghiệp của họ.
Như chia sẻ của Phạm Anh Dũng, sau khi toàn bộ gần 1.000 trụ gấc cùng đinh lăng bị “xóa sổ”, anh rất chán nản, thất vọng. Nhưng không vì thế mà anh không từ bỏ ước mơ, bởi ngay từ khi nộp đơn xin nghỉ việc ở Văn phòng Tỉnh ủy, anh đã xác định kinh doanh sẽ đi kèm với rủi ro; nếu buông bỏ thì đồng nghĩa với thất bại triệt để.
Đó là lý do để anh đứng dậy, tiếp tục thực hiện hoài bão của mình. Kiểm soát được khủng hoảng tâm lý, anh xác định hướng đi cho ước mơ khởi nghiệp của mình. Mò mẫm tìm hiểu, cuối năm 2015, anh bắt tay cải tạo lại trang trại, xây dựng theo mô hình vườn, chuồng khép kín.
Nhờ nỗ lực đó, trang trại của Phạm Anh Dũng hiện đã mở rộng ra 1,5ha, với 7.000m2 đinh lăng, trên 1.000 con bồ câu, 200 con thỏ thịt… Đây là mô hình trang trại của thanh niên lớn nhất nhì huyện Điện Biên cả về quy mô lẫn thu nhập (sau khi trừ mọi chi phí, bình quân thu nhập trang trại của anh lãi hơn 900 triệu đồng/năm).
Ngoài ra, với mô hình này, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Hằng năm, gia đình anh cũng giúp đỡ, hướng dẫn cho 15 hộ chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn về giống, phương pháp, kỹ thuật trồng cây gấc và đinh lăng, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức vườn chuồng khép kín.
Có thể thấy, việc thanh niên ở vùng DTTS và miền núi khởi nghiệp gặp rủi ro, thất bại là điều không tránh khỏi. Điều quan trọng nhất là thanh niên sẽ làm gì sau thất bại?
KHÁNH THƯ