Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật ở “vùng lõm”
Một trong những địa phương triển khai tích cực, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tư vấn trợ giúp pháp lý (TGPL) cho đồng bào DTTS và miền núi là huyện vùng cao Võ Nhai. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện và các xã tổ chức 98 hội nghị tại những xóm vùng sâu, vùng đồng bào DTTS, với gần 9.200 người tham dự.
Cùng với đó, Phòng Tư pháp thường xuyên phối hợp với Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Truyền thông huyện mở chuyên mục tuyên truyền PBGDPL hàng tuần trên hệ thống loa truyền thanh; phối hợp thực hiện TGPL lưu động cho các đối tượng chính sách và đồng bào DTTS tại các xóm, bản vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân.
Tương tự, tại Định Hóa, ông Ma Công Trình, Trưởng phòng Tư pháp huyện, cho biết: Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức trên 30 hội nghị tuyên truyền PBGDPL mới tại các xã cho gần 2.500 lượt người. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thực hiện truyền thông nâng cao khả năng tiếp cận hoạt động TGPL tại nhiều xóm đặc biệt khó khăn thuộc các xã: Quy Kỳ, Linh Thông, Tân Thịnh, Lam Vỹ… với 418 lượt người thuộc đối tượng trợ giúp miễn phí được dự nghe và TGPL trực tiếp...
Có thể thấy, Định Hóa và Võ Nhai chỉ là hai trong số các huyện của tỉnh Thái Nguyên đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tích cực trong tuyên truyền PBGDPL cho người dân. Theo ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thái Nguyên, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030 và kế hoạch tuyên truyền PBGGDPL của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh là cơ quan được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai kế hoạch; đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện…Theo đó, Trung tâm đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền PBGDPL; tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động TGPL chất lượng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Không chỉ chú trọng tuyên truyền PBGDPL thông qua việc tổ chức hội nghị, qua hệ thống loa truyền thanh, các cơ quan báo chí, truyền thông... mà cơ quan chuyên môn của tỉnh còn linh hoạt tuyên truyền PBGDPL thông qua công tác xét xử, hòa giải. Điển hình như Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp của tỉnh Thái Nguyên cũng đã chủ động tuyên truyền PBGDPL bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Từ đó, góp phần chuyển tải các quy định của pháp luật đến với người dân được cụ thể và dễ hiểu; nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên.
Gần đây, TAND tỉnh đã tổ chức phiên xét xử 42 bị cáo liên quan đến hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại hai cơ sở kinh doanh sinh thái Làng Việt (TP. Thái Nguyên). Trong 3 ngày xét xử, ngoài 42 bị cáo có mặt tại phiên tòa còn có đông đảo bạn bè, người thân của bị cáo và Nhân dân đến chứng kiến, theo dõi. Thông qua phiên tòa, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được đến rất nhiều người dân. Đặc biệt, trong số hàng nghìn vụ việc thụ lý, hằng năm, TAND hai cấp của tỉnh đã lựa chọn trên 100 vụ án có tính giáo dục cao để tổ chức xét xử lưu động tại các địa bàn, cơ sở.
Thực tế cho thấy, hoạt động xét xử, giải quyết các loại án là hình thức tuyên truyền, PBGDPL thiết thực và dễ đi vào đời sống. Những người tham dự phiên tòa được chứng kiến toàn bộ diễn biến quá trình giải quyết, xét xử một vụ việc cụ thể, qua đó, họ hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, nếu vi phạm sẽ bị xử lý ra sao, từ đó có hành vi ứng xử phù hợp, đúng quy định.
Tuyên truyền, PBGDPL thông qua hoà giải, đối thoại góp phần cũng là một trong những hình thức tích cực, trực tiếp xóa bỏ mâu thuẫn, hàn gắn mối quan hệ bị rạn nứt giữa các đương sự được tỉnh Thái Nguyên triển khai thời gian qua. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, TAND hai cấp của tỉnh đã hòa giải thành 344/839 vụ, trong đó thông qua hòa giải, đối thoại đã có 68 đương sự rút đơn khởi kiện.
Có thể thấy việc tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người dân, nhất là người dân sinh sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi là việc làm hết sức quan trọng, thiết thực. Qua đó, góp phần giảm tệ nạn xã hội, giảm mâu thuẫn, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết Nhân dân. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chính sách pháp luật của bà con, góp phần phục vụ tích cực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương.