Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tái cơ cấu ngành mía đường: Không thể chậm trễ

PV - 10:51, 04/07/2018

Như một điệp khúc, sau vài “phiên” lên giá (hoặc giữ ổn định), giá mía lại giảm sâu khiến người trồng mía lao đao. “Mùa mía đắng” hay “mía không ngọt”,... cứ thường xuyên xuất hiện. Đầu ra cho cây mía vẫn là một bài toán khó khi một chiến lược tổng thể cho sự phát triển ngành mía đường vẫn còn rất mơ hồ.

“Mía đắng” vào nghị trường!

Niên vụ 2017-2018, người trồng mía ở nhiều vùng nguyên liệu lớn như Gia Lai, Phú Yên, Đồng Nai,… lại trải qua một mùa “mía đắng”. Do giá đường xuống thấp nên giá thu mua mía của các nhà máy đường chỉ còn 900 nghìn đồng/tấn, giảm khoảng 150 nghìn đồng/tấn so với niên vụ trước. Đặc biệt, ở Phú Yên, những ngày cuối tháng 4/2018, mía tiếp tục giảm xuống mức 770 nghìn đồng/tấn.

Phá mía, trồng sắn phá vỡ quy hoạch, đặt cây sắn trước nguy cơ phải “giải cứu” . (Ảnh minh họa) Phá mía, trồng sắn phá vỡ quy hoạch, đặt cây sắn trước nguy cơ phải “giải cứu” .
(Ảnh minh họa)

 

Với mức giá này, nông dân lỗ nặng. Trồng mía tốn rất nhiều công lao động, đặc biệt là khâu thu hoạch. Theo tính toán, chi phí thuê lao động thu hoạch bình quân 260 nghìn đồng/tấn, chiếm 29% tổng thu nhập từ trồng mía. Cùng với đó là tiền hom giống, công thuê đào hộc trồng mía, tiền thuê bóc lá mía hai lần/vụ, tiền phân bón… Tính sơ sơ, tổng chi phí đầu tư khoảng 630 nghìn đồng/tấn.

Thử làm phép tính, một ha mía đạt năng suất 50 tấn/ha (là năng suất thuộc diện trung bình khá), với giá bán 900 nghìn đồng/tấn thì doanh thu của người trồng mía đạt 45 triệu đồng/50 tấn/ha. Nhưng chi phí đầu tư cho 50 tấn mía cũng đã lên tới 31,5 triệu đồng; như vậy người trồng mía chỉ thu về được khoảng 13,5 triệu đồng/ha/niên vụ.

Cây mía từ khi nảy mầm đến thu hoạch kéo dài trong khoảng 8-10 tháng. Vị chi, bình quân mỗi tháng, người trồng mía chỉ thu về được trên 1 triệu đồng/ha.

Nhưng đó là với giá bán 900 nghìn đồng/tấn; còn với giá mía chỉ ở mức 770 nghìn đồng/tấn như ở Phú Yên trong niên vụ vừa qua thì thu nhập của người trồng mía còn thấp hơn rất nhiều. Đó là chưa kể, mức giá 770 nghìn đồng/tấn là áp dụng với diện tích mía đã ký hợp đồng bao tiêu với nhà máy; còn không bao tiêu chỉ đạt 720.000 đồng/tấn, cứ giảm 1 chữ đường (chất lượng cây mía) sẽ bị trừ 10%, rồi cứ 10 tấn mía bị nhà máy trừ gần 1 tấn tạp chất. Trừ đầu trừ đuôi, giá đến tay nông dân chỉ còn khoảng 650.000 đồng/tấn.

Phú Yên là một trong những địa phương có vùng mía nguyên liệu lớn với diện tích gần 26 nghìn ha. Vùng trồng mía hầu hết đều tập trung ở các huyện miền núi khó khăn như Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân. Với giá mía giảm sâu như niên vụ 2017-2018, hơn 10 nghìn hộ/1,5 triệu nhân khẩu trồng mía ở tỉnh này thực sự lao đao.

Những giọt “mía đắng” đã được nêu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Một số đại biểu Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có chính sách “giải cứu” cây mía.

Đại biểu Hoàng Văn Trà (đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên) cho rằng, với giá thu mua như hiện nay, 90% hộ trồng mía ở Phú Yên bị thua lỗ. “Nên chăng, cần có chính sách hỗ trợ, giải cứu những đối tượng này”, đại biểu Hoàng Văn Trà đã đặt câu hỏi tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Phải giải cứu tận gốc

Lại một lần nữa, vấn đề “giải cứu” nông sản được lặp lại; lần này là cho cây mía-cây trồng chủ lực của nhiều địa phương, được xem là cây “xóa nghèo” cho nhiều địa bàn khó khăn. Nhưng “giải cứu” như thế nào để bảo đảm thu nhập của người trồng mía, giải quyết dứt điểm vòng luẩn quẩn “trồng-chặt-chặt-trồng” cứ lặp đi lặp lại trong sản xuất nông nghiệp của nước ta?

Câu hỏi này không thể không riết ráo bởi ngay sau mùa vụ thất thu nặng, người trồng mía ở nhiều địa phương trên cả nước đã “quay lưng” với cây mía. Ở Phú Yên, nhiều nông hộ đã chặt bỏ cây mía để trồng sắn.

Hiện chưa có số liệu thống kê nhưng theo dự báo của ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên, khoảng 50% tổng diện tích trồng mía hiện có của tỉnh (khoảng 13 nghìn ha) sẽ bị phá bỏ để chuyển sang trồng sắn. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ vỡ quy hoạch trồng sắn bởi diện tích sắn của Phú Yên hiện đã lên đến hơn 23.000ha.

Cùng với Phú Yên, tại nhiều vùng nguyên liệu mía lớn ở Gia Lai, Tây Ninh, Phú Yên,… đang ghi nhận tình trạng nông dân ồ ạt phá mía trồng sắn sau khi thất thu nặng ở niên vụ 2017-2018. Với tình trạng này, liệu rằng niên vụ 2018-2019, cây sắn sẽ trở thành nông sản phải “giải cứu”?

Đáp án cho câu hỏi này… sang năm sẽ có; giờ phải tập trung vào cây mía trước đã. Bởi thực tế, cây mía đã giúp không ít gia đình vùng khó khăn vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Niên vụ 2015-2016, nông dân phấn khởi vì mía được giá. Với giá bán đạt mức 1.050.000 đồng/tấn, người trồng mía có lãi. Nhưng sang niên vụ 2016-2017, 2017-2018, mía rớt giá. Nguyên nhân là do giá đường xuống thấp.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến giữa tháng 5/2018, giá đường tinh luyện giảm khoảng 2.000 đồng/kg và đường trắng giảm khoảng 2.800-2.900 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành sản xuất đường tại các nhà máy dao động khoảng 11.000-13.000 đồng/kg, giá đường nhập lậu (chủ yếu từ Thái Lan) chỉ dưới 11.000 đồng/kg.

Để cạnh tranh với đường nhập lậu thì các doanh nghiệp mía đường sẽ phải hạ giá thành. Giá đường xuống thấp sẽ khiến doanh nghiệp phải mua mía của nông dân thấp hơn. Như vậy, khó khăn lại đẩy lên vai người nông dân khiến họ không thiết tha với cây mía.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, một “nút thắt” mà doanh nghiệp mía đường khó có thể tự giải quyết là thiếu cơ chế hỗ trợ. Hiện tại, nông dân Thái Lan được hỗ trợ giống cây trồng miễn phí, ước tính giá trị khoảng 10-15 triệu đồng/ha, do Quỹ Phát triển mía đường chi trả. Đây là lý do doanh nghiệp mía đường Thái Lan đang mua mía nguyên liệu với giá 600 nghìn đồng/tấn, thấp hơn từ 240-400 nghìn đồng/tấn so với Việt Nam. Thêm vào đó, doanh nghiệp còn được hỗ trợ lãi suất vay từ 1-2%/năm để phát triển. Trong hoàn cảnh chịu thiệt thòi, ngành mía đường Việt Nam (bao gồm doanh nghiệp và nông dân) đang phải “tự bơi” trong cuộc đua hội nhập.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đường nhập lậu không phải đóng các loại thuế như doanh nghiệp mía đường trong nước (hiện nay là 5%). Chỉ riêng thuế nhập khẩu và VAT, đường lậu đã rẻ hơn đường trong nước ít nhất 1.000 đồng/kg. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước thất thu thuế ít nhất là 500 tỷ đồng/năm (lượng đường nhập lậu ước tính 400-500 nghìn tấn/năm) và do phải cạnh tranh với đường lậu, các doanh nghiệp mía đường trong nước không thể mua giá mía cao cho nông dân, khiến nông dân mất đi 1.500 tỷ đồng/năm.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.