Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn đọc

Rừng thông 2 lá ở Huyện Khánh Sơn (khánh hòa): Cần có biện pháp bảo vệ trước khi quá muộn

PV - 14:12, 01/06/2018

Do khai thác không đúng cách, hàng trăm ha thông trồng từ những năm 1990 tại xã Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) đã trở nên kiệt quệ. Điều đáng nói sự việc diễn ra trong một thời gian khá dài, nhưng các ngành chức năng địa phương không có biện pháp để ngăn chặn.

Rừng thông trước nguy cơ xóa sổ

Rừng thông Ba Cụm Nam là rừng thông 2 lá, được trồng từ những năm 1990. Từ năm 2006, thực hiện quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa, Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn đã bóc tách, giao hơn 331ha rừng thông cho UBND xã Ba Cụm Nam quản lý; phân chia cho các hộ đồng bào DTTS bảo vệ, khai thác nhựa. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, người dân đã khai thác một cách cạn kiệt. Trước sự suy giảm nghiêm trọng chất lượng rừng thông, năm 2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi và giao lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn quản lý. Song, tình trạng khai thác nhựa thông vẫn không chấm dứt mà ngày càng nghiêm trọng hơn.

baodantoc_cay_thong Một cây thông mang nhiều thương tích do bị cạo nhựa.

 

Đi dọc theo con đường từ đỉnh đèo Khánh Sơn vào xã Ba Cụm Nam, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh rừng thông ở đây bị người dân khai thác tan hoang. Hầu hết những cây thông đều mang thương tích. Vết cạo mới đè lên vết cạo cũ, có cây bị cạo đến thủng thân, chết đứng từ bao giờ; nhiều cây đã bị gió quật gãy hoặc đã bị người dân cưa hạ, đốt cháy nham nhở.

Một người dân đang khai thác nhựa thông cho hay: Rừng thông có từ lâu, ở đây ai cũng lấy nhựa thông. Dù bị cấm nhưng nhà thiếu ăn nên lấy nhựa thông đổi lương thực, thực phẩm hằng ngày. Muốn thu nhựa thông, mình phải dùng cuốc bổ vào thân cây theo chiều dọc, sau đó dùng chai nhựa để hứng, lúc nào đầy thì đi thu. Người khai thác nhựa thường đi thu gom nhựa thông từ sáng sớm, sau đó bán cho thương lái; mỗi can 20 lít bán được 370.000 đồng. Muốn thu được nhiều nhựa, phải cạo 4-5 mạch xung quanh cây, dài 4-5m và phải bổ sâu vào thân cây.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân không chỉ lấy nhựa mà còn chặt luôn cây để lấn chiếm đất sản xuất. Thậm chí có hộ còn dựng hàng rào lưới B40 để quây rừng lại trồng cây ăn trái. “Tình trạng này đã xảy ra từ lâu nhưng không bị xử lý. Hộ này lấn được thì hộ khác cũng lấn; cứ sau một năm, những đám rẫy ven rừng lại rộng thêm, kéo theo đó, diện tích rừng thông bị thu hẹp lại”, một người dân ở thôn Hòn Gầm, xã Ba Cụm Nam bày tỏ.

Cần có biện pháp bảo vệ trước khi quá muộn

Trao đổi với chúng tôi về trách nhiệm trong việc để cho rừng thông Ba Cụm Nam bị “bức tử”, ông Phan Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn khẳng định: Trách nhiệm chính trong việc này thuộc về Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn. UBND huyện sẽ kiểm tra thực tế hiện trạng để có chỉ đạo chính thức đối với Ban Quản lý.

“Trước hết, để bảo vệ rừng thông Ba Cụm Nam, huyện cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý rừng tăng cường công tác quản lý để chấm dứt tình trạng người dân ken, đốt, lấn chiếm để lấy đất sản xuất; đối với việc khai thác nhựa thông, cần tăng cường tuyên truyền để người dân không tiếp tục khai thác nhựa nhằm phục hồi rừng thông”, ông Sửu, chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn cũng nhìn nhận: Rừng thông Ba Cụm Nam suy kiệt như hiện nay là do người dân khai thác quá mức, không đúng quy trình… Điều này dẫn đến tình trạng cây chết khô, bị gãy đổ, những cây còn sống thì không còn khả năng sinh trưởng. Chất lượng rừng thông Ba Cụm Nam suy giảm mạnh nhất trong giai đoạn 2005-2011. Lúc này rừng thông mới được giao cho chính quyền địa phương quản lý, phân chia cho người dân bảo vệ, khai thác nhựa thông. Hiện nay, do rừng thông manh mún, nhỏ lẻ, xen lẫn với khu dân cư, nương rẫy của người dân nên công tác quản lý rất khó khăn.

Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn cũng cho biết thêm, đơn vị đã nắm được danh sách các hộ đang tiếp tục khai thác nhựa thông, có hành vi lấn chiếm đất rừng. Ban sẽ làm việc với UBND xã để tuyên truyền các hộ không tiếp tục vi phạm; tăng cường kiểm soát việc mua bán nhựa thông. Ngoài ra, đơn vị đang tiến hành rà soát, đánh giá lại hiện trạng 3 loại rừng trên địa bàn huyện Khánh Sơn, trong đó có rừng thông trồng trên đất rừng sản xuất. Khi có kết quả sẽ đề xuất cấp trên một số dự án để bảo vệ, sử dụng hiệu quả diện tích rừng thông trên địa bàn.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!