Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Nam: Hàng trăm hộ dân thấp thỏm lo nhà cửa, đất đai bị cuốn xuống sông

T.Nhân-H.Trường - 08:28, 16/10/2024

Tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn đoạn qua xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) ngày càng nghiêm trọng. Mỗi năm sông “lấn” vào đất liền gần chục mét, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân nguy cơ mất đất, mất nhà nếu các cấp chính quyền, cơ quan chức năng không sớm có phương án ngăn chặn...

Sạt lở bờ sông Thu Bồn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng trăm người dân.
Sạt lở bờ sông Thu Bồn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng trăm người dân

Sạt lở ngày càng nghiêm trọng

Tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn đoạn qua thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước đã diễn ra nhiều năm nay, nhất là vào mùa mưa bão. Theo người dân địa phương, trước đây đất ven sông Nhị Dinh 3 màu mỡ và rộng lớn, người dân trồng lúa nước mỗi năm 3 vụ. Thế nhưng, gần đây một phần diện tích trồng lúa, hoa màu đã bị cuốn xuống sông.

Ông Trương Phú Hòa, Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ thôn Nhị Dinh 3, cho biết: Tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn đã diễn ra nhiều năm nay, nghiêm trọng nhất là trong 5 năm gần đây khiến cho người dân rất lo lắng. Nhà của ông nay chỉ cách bờ sông chừng 100m, trong khi đó một số hộ khác cũng cách sông khoảng 150m.

“Trong 5 năm gần đây, có đoạn sạt lở vào đất liền đến 70m, cứ trung bình mỗi năm, bờ sông sạt lở từ 5-10m. Nhà tôi hiện đã xuống cấp, nhưng lo ngại không dám đầu tư sửa chữa vì không biết còn ở được mấy năm nữa, hay bị cuốn xuống sông. Người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp tại các buổi tiếp xúc cử tri, mong muốn các cấp chính quyền sớm có biện pháp ngăn chặn sạt lở để người tâm yên tâm”, ông Hòa chia sẻ.

Ông Hồ Quang Tường (64 tuổi, thôn Nhị Dinh 3) cũng than thở, trước đây mảnh đất trồng hoa màu của gia đình ra tới bờ sông là khoảng 20m, nhưng nay sạt lở đã cuốn trôi hết gần một nửa. Những năm trước, sạt lở diễn ra nhưng ít nghiêm trọng, tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, thì tốc độ sạt lở rất nhanh. Nếu không có biện pháp ngăn chặn sạt lở, khả năng đất sản xuất của người dân sẽ không còn bao nhiêu. Người dân rất mong chính quyền có phương án xây bờ kè để ngăn chặn sạt lở”.

Nhiều đoạn sạt lở ăn sâu vào đất liền, cách khu dân cư chưa đầy 150m.
Nhiều đoạn sạt lở ăn sâu vào đất liền, cách khu dân cư chưa đầy 150m

Theo quan sát của phóng viên, đoạn sạt lở dọc bờ sông Thu Bồn đoạn qua thôn Nhị Dinh 3, có chiều dài khoảng gần 2km, có chỗ nhà cửa, vườn tược của người dân chỉ cách bờ sông một đoạn rất ngắn. Ở phía đối diện bờ sông sạt lở, xảy ra tình trạng bồi lắng với diện tích khá rộng. Hàng trăm hộ dân sống gần khu vực bờ sông lo lắng, thấp thỏm vì nhà cửa, đất đai sẽ bị cuốn trôi nếu không có biện pháp ngăn chặn sạt lở bờ sông Thu Bồn.

Bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, cho biết: Trong những năm gần đây, hai bên bờ sông Thu Bồn đoạn qua thị xã thường xuyên bị sạt lở mỗi khi mưa lũ. Tốc độ xói lở ngày càng mạnh, gây mất đất sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Trong đó, một số khu dân cư phải di dời, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, khu vực bị ảnh hưởng nhất là thôn Nhị Dinh 3.

Từ năm 2022 đến nay, xói lở lòng sông diễn ra phức tạp, lòng sông biến dạng, xói lở tại vị trí bờ tả và bồi lắng tại bờ hữu. Trong 2 năm đã bồi lắng tạo bãi cao trung bình 2 - 4m so đáy sông, còn vị trí bờ tả bị sạt lở gần 80m và diễn biến ngày càng nhanh. Hình thái dòng sông bắt đầu có những thay đổi lớn ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng người dân.

Sạt lở ảnh hưởng khoảng 240 hộ dân với 1.200 nhân khẩu; trong đó vị trí sạt lở còn cách khu dân cư gần nhất khoảng 140m. Gần đây, mỗi năm có khoảng 2-3ha đất sản xuất, đất vườn ven sông bị cuốn trôi. Dự báo khoảng 40ha đất nông nghiệp đang có nguy cơ bị “xóa sổ”.

Mỗi năm sạt lở lấn sâu vào đất liền từ 5-10m, nguy cơ 40ha đất sản xuất của người dân bị
Mỗi năm sạt lở lấn sâu vào đất liền từ 5-10m, nguy cơ 40ha đất sản xuất của người dân bị "xóa sổ"

Triển khai giải pháp khắc phục

Trước tình trạng nói trên, UBND thị xã Điện Bàn đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn đoạn qua thôn Nhị Dinh 3. Được biết,  từ năm 2013 đến đầu năm 2021, điểm sạt lở và bồi lắng chưa diễn ra nghiêm trọng, dòng chảy tương đối ổn định. Giai đoạn từ năm 2022 đến nay, diễn biến dòng chảy sông biến đổi, hình thành nên bãi bồi và sạt lở nghiêm trọng. Vị trí sạt lở vào sâu đất sản xuất hơn 80m so với giai đoạn từ năm 2013-2021, đã mất gần 12,5ha đất sản xuất dọc theo chiều dài gần 2km sông. Đặc biệt, giai đoạn gần cuối năm 2023 trở lại đây tốc độ sạt lở ngày càng nhanh.

Theo UBND thị xã Điện Bàn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở và bồi lắng, trong đó chủ yếu là tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, mưa lũ với cường độ lớn và thời gian kéo dài đã khiến dòng chảy trên sông thay đổi bất thường. Cụ thể, mặt cắt lòng sông trước khi hình thành bãi bồi rộng hơn 400m và trải dài đều nhau hơn 2km, sau khi hình thành bãi bồi mặt cắt lòng sông bị co hẹp còn 180m. Khi mặt cắt lòng sông bị co hẹp làm cho dòng chảy xiết và hướng dòng về phía bờ đối diện mạnh hơn, tạo điểm sạt lở với tốc độ ngày càng nhanh hơn.

Từ đánh giá trên, UBND thị xã Điện Bàn đề xuất giải pháp chung, là nạo vét chỉnh dòng chảy, xây dựng công trình kè bảo vệ và trồng cây dọc hai bờ sông nhằm ổn định đường bờ, giảm vận tốc dòng chảy tác động vào khu dân cư. 

Kinh phí dự kiến theo phương án xây dựng kè kết hợp nạo vét chỉnh dòng chảy, là 29,8 tỷ đồng; xây dựng kè, không nạo vét chỉnh dòng là 20,0 tỷ đồng và nạo vét tận thu vật liệu xây dựng thông thường là 15,6 tỷ đồng.

Người dân nhiều lần kiến nghị, mong các cấp chính quyền sớm có biện pháp ngăn chặn sạt lở.
Người dân nhiều lần kiến nghị, mong các cấp chính quyền sớm có biện pháp ngăn chặn sạt lở

Mới đây, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản giao UBND thị xã Điện Bàn chỉ đạo, tổ chức xử lý trước mắt việc sạt lở bờ sông Thu Bồn, đoạn qua thôn Nhị Dinh 3 như: thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, theo dõi diễn biến sạt lở; chỉ đạo việc xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở; tổ chức khảo sát, đánh giá, lập dự án đầu tư xử lý sạt lở trong trường hợp cần thiết.

UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành, đơn vị liên quan rà soát, hướng dẫn UBND thị xã Điện Bàn thực hiện việc nạo vét chỉnh dòng chảy đoạn bãi bồi thuộc xã Điện Trung (thị xã Điện Bàn).

Về đề nghị đầu tư dự án kè chống sạt lở, trước mắt, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án.

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.