Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát triển vùng đồng bào DTTS: Bài toán khó mang tên “Việc làm”

PV - 09:58, 26/10/2018

LTS: Kết quả từ cuộc khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế-xã hội của 53 DTTS cho thấy, tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 87,55%. Nhưng lao động người DTTS đã và đang đối diện với tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp ngày càng trầm trọng. Vì sao lại có nghịch lý này?

Bài 1: Muôn kiểu… thất nghiệp!

Nhàn rỗi trong nghèo khó là nghịch lý kéo dài từ nhiều năm qua ở vùng DTTS. Không chỉ là lao động chân tay mà nhiều người đã qua đào tạo cũng lâm vào cảnh thiếu việc làm, phải sấp ngửa tìm kế mưu sinh…

việc làm Lao động DTTS chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Làm nông nhưng thiếu đất

Thiếu đất sản xuất ở vùng DTTS và miền núi là vấn đề đã được nhìn nhận từ nhiều năm nay, nhưng đây vẫn là thực trạng rất khó giải quyết. Tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV (diễn ra sáng 07/6/2018), trong bài phát biểu của mình, đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) đã đưa ra số liệu: vùng DTTS và miền núi hiện vẫn còn trên 221.000 hộ thiếu đất sản xuất.

Ở nhiều địa phương, hộ thiếu đất sản xuất chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số hộ người DTTS. Như ở Hướng Hóa (Quảng Trị), toàn huyện có 8.108 hộ là người DTTS thì có tới 1.930 hộ thiếu đất sản xuất (cùng với đó là 696 hộ DTTS thiếu đất ở).

Tình trạng thiếu đất sản xuất sẽ tiếp tục được nói tới bởi những tác động của nó đến đời sống xã hội của dân cư vùng DTTS và miền núi; trước hết là vấn đề việc làm. Bởi thực tế, hầu hết lao động người DTTS đều làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong một công trình nghiên cứu, ông Nguyễn Phùng Quân (Văn phòng Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Dân tộc) đã đưa ra số liệu: lao động DTTS chủ yếu tham gia vào nghề nông và các nghề đơn giản. Tại miền núi phía Bắc có đến 78,44% dân số từ 15 tuổi trở lên đang tham gia vào nghề nông và các nghề đơn giản, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 64,81%; Tây Nguyên là 76,33%...

Đáng chú ý, cách thức sinh kế đơn giản như cha mẹ cho trẻ em theo lên nương từ nhỏ nên người DTTS có việc làm rất cao. Kết quả phân tích thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS (công bố tháng 11/2017) cho thấy, lao động DTTS tham gia làm việc từ độ tuổi rất trẻ, từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt tỷ lệ 87,5% dân số, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của dân tộc Kinh là 74,9%.

Nhưng “có bột mới gột nên hồ”, với việc thiếu đất sản xuất dai dẳng, rất nhiều lao động người DTTS lại nhàn rỗi. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo hiện vẫn còn rất cao, nhiều nơi còn tái diễn tình trạng thiếu đói, đứt bữa.

việc làm Thiếu đất sản xuất, dư thừa lao động là một rào cản trong phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)

Cử nhân cũng thất nghiệp

Cùng với tình trạng lao động nông, lâm nghiệp thiếu việc làm do không có đất canh tác thì việc nhiều lao động người DTTS đã qua đào tạo nhưng chưa có việc làm hiện cũng là một bài toán nan giải. Trong một phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) dẫn số liệu: Cả nước hiện có trên 1 triệu lao động thất nghiệp. Trong đó, trên 400 nghìn đã được đào tạo có trình độ kỹ thuật; trên 191 nghìn đã qua đào tạo đại học và sau đại học. Trong những người lao động thất nghiệp này có nhiều con em đồng bào DTTS và con em của người nông dân.

Chỉ tính riêng khu vực Tây Bắc, theo thống kê chưa đầy đủ, số học sinh học cao đẳng, đại học hiện có trên 50 nghìn người; phần lớn là sinh viên người DTTS. Không tính số sinh viên cử tuyển, chỉ tính số lượng sinh viên các trường nghề ra trường nhưng thất nghiệp là rất lớn. Như ở Lào Cai, toàn tỉnh có 6.000 trường hợp sinh viên sau tốt nghiệp các trường nghề không xin được việc làm.

Còn tại Lai Châu, ngoài số cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, giai đoạn 2013-2017, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 23.968 lao động (trong đó có 23.928 lao động DTTS) thì giải quyết việc làm cho 19.895 người, có nghĩa hơn 5 nghìn lao động được đào tạo không biết đi đâu về đâu. Đó là chưa kể, trong 19.895 lao động sau đào tạo được giải quyết việc làm thì chỉ có một số ít có việc làm mới; phần lớn đều quay lại nghề cũ (tức là làm nông, lâm nghiệp).

Với xuất khẩu lao động cũng chẳng khá hơn là bao. Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu, năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền xuất khẩu lao động cho 15.630 lao động, kết quả đã đưa được… 106 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Cũng trong năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức tư vấn cho 2.750 lao động, thì chỉ có 586 lao động tìm được việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Như vậy, lao động người DTTS dù được đào tạo hay làm việc giản đơn cũng đang và sẽ đối diện với tình trạng thiếu việc làm nghiêm trọng. Với lao động giản đơn, thiếu đất canh tác nên nhàn rỗi trong nghèo khó; còn với lao động qua đào tạo, không có đất “dụng võ” nên cũng phải tìm mọi cách để tìm kế sinh nhai.

Vậy, những lao động DTTS thất nghiệp, thiếu việc làm sẽ đi đâu, làm gì để tìm sinh kế? Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thì việc khai thác phát huy hiệu quả Dự án 7, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình..., đang được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An.