Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết: tỉnh Tây Ninh đã đề ra mục tiêu, đến năm 2020 sẽ xây dựng ít nhất ba vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 800ha và 1.800ha; đến năm 2030, gắn đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, làm đầu tàu dẫn dắt phát triển nông sản giá trị cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chế biến. Trong đó, có ít nhất 40% diện tích các loại nông sản được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Organic.
Hiện trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ nông dân đã “đón đầu” để triển khai đề án về nông nghiệp công nghệ cao. Điển hình, ông Huỳnh Biển Chiêu ở xã Thạnh Tân (TP. Tây Ninh) đã tiến hành làm thương hiệu cho trái mãng cầu Bà Đen (vốn là trái cây nổi tiếng tại tỉnh Tây Ninh). Hiện nay, ông đã trồng hơn 17ha mãng cầu, được chăm sóc theo quy trình VietGAP, bước đầu đã có nhiều khách hàng trong và ngoài nước đặt hàng, đồng thời xuất khẩu sang một số nước.
Hay như mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại nông trại của ông Đoàn Việt Cường ở khu phố Ninh Bình, phường Ninh Sơn (TP. Tây Ninh). Nông trại có hai nhà màng, với diện tích 1.000m2/nhà. Vốn đầu tư ban đầu cho mỗi nhà màng vào khoảng 400 triệu đồng. Quy trình trồng và chăm sóc dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP bao gồm các công đoạn: xử lý môi trường nhà màng, ương hạt giống, tưới nước…
Mới áp dụng hơn một năm nay, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của ông Đoàn Việt Cường đã thu được những thành công bước đầu. Với 65 ngày/vụ, dưa lưới công nghệ cao có thể canh tác được 5-6 vụ/năm. Sau một năm áp dụng mô hình, sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt 2,5-3 tấn/1.000m2, giá bán tại vườn là 30.000-35.000 đồng/kg dưa lưới. Sau khi trừ chi phí, khấu hao thiết bị, thu lãi từ 2 nhà màng là 40 triệu đồng/vụ, tính tổng số vụ gieo trồng trong năm thì lợi nhuận lên đến 200 triệu đồng. Sản phẩm dưa lưới công nghệ cao ở Tây Ninh được các thương lái, các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh đến thu mua ngay tại nông trại.
Ở một số địa phương khác, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đốn bỏ cây trồng hiệu quả thấp, đầu tư các giống cây trồng cho năng suất cao, có đầu ra ổn định. Tiêu biểu như vườn chanh dây rộng 66ha của ông Nguyễn Văn Còn (xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên), hay vườn chanh dây của ông Trần Văn Hưng (xã Tân Đông, huyện Tân Châu)…
Theo ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, tỉnh đang cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, trong đó sẽ chọn phát triển nền nông nghiệp sạch, gắn với các loại nông sản hữu cơ. Theo đó, tỉnh đã xác định liên kết giữa các khâu sản xuất hình thành chuỗi nâng cao giá trị nông sản, chú trọng gắn kết giữa sản xuất với thị trường. Hiện tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách giúp thúc đẩy sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gồm: Chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; chính sách đặc thù kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh…
NHƯ Ý