Nguy cơ thảm họa
Tại Hội nghị “Nhận định tình hình mưa lũ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc” diễn ra ngày 25/7 vừa qua, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xuất hiện 14/21 loại hình thiên tai, điển hình là lũ quét, sạt lở đất, bão, dông, lốc sét, nắng nóng. Trong đó, hoàn lưu sau bão số 3 đã gây mưa lớn diện rộng từ ngày 13-22/7/2018, kéo dài ở hầu hết các tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra. Lũ lớn trên báo động 3 gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và sản xuất nông nghiệp tại các địa phương chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, đã có 8 đợt lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra ở Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái và một số tỉnh miền núi phía Bắc…
Cùng chung lo lắng trước những diễn biến bất thường của thiên tai, phát biểu tại Hội nghị trên, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, khu vực miền núi phía Bắc đang phải đối diện nhiều nguy cơ dẫn đến thảm họa. Do mưa bão năm nay đến sớm hơn mọi năm với cường độ ngày càng cao. Hiện nay, rừng và đất rừng đã ngậm đầy nước, không còn khả năng chịu tải. Vì vậy, chỗ nào lượng mưa từ 150mm- 200mm đều nguy hiểm chết người.
Lớp thực bì (thực vật tầng thấp) chưa bao giờ nghiêm trọng như hiện nay. Trong hai ngày 23, 24/7, nếu đi dọc Lai Châu sang QL4B, tổn thương rất lớn. Trong suốt 11km đường sạt lở bao phủ mặt đường, không có chỗ cho xe ô tô đi được. Thêm một yếu tố nữa là hạ tầng quá xuống cấp. Trong hơn 2.000 hồ thủy lợi, thì có đến 1.000 hồ tổn thương nghiêm trọng. Chưa bao giờ đê phía Bắc và các tỉnh Bắc Trung bộ xuống cấp như vậy, kể cả đê trực thuộc Trung ương từ cấp 3 tới cấp đặc biệt, kể cả cấp 4, 5 đều ẩn họa khôn lường.
Trong khi đó dự báo giai đoạn tới, diễn biến thời tiết vẫn rất khó lường, mưa lớn liên tục xảy ra. Nếu chúng ta không chủ động sẽ rất nguy hiểm khi những vùng trũng chưa thoát hết nước. Nếu không làm tốt công tác đề phòng, ứng phó nguy cơ, thảm họa rất có thể xảy ra.
Những việc cần làm ngay
Trước những diễn biến hết sức khẩn trương và nguy hiểm đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã yêu cầu những việc cần phải làm ngay. Đó là, lũ quét và sạt lở đất xảy ra liên tiếp từ đầu năm đến nay trên phạm vi rộng, đã làm 206 nhà bị sập đổ, 2.830 nhà bị ngập. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 7.716 hộ dân tại 16 tỉnh, thành phố không có chỗ ở đảm bảo an toàn, cần phải di dời. Thời gian tới, các địa phương cần tập trung cao độ ổn định nhà ở cho đồng bào nhằm giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất.
Các cơ quan chuyên môn cũng cần rà soát các phương án đảm bảo an toàn chống lũ tại các lưu vực sông. Bởi nhiều hệ thống sông khu vực Bắc bộ đã vượt mức báo động (sông Thao, Hoàng Long, đặc biệt sông Bứa tại Phú Thọ vượt lũ lịch sử năm 1975 là 1,26m).
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt tính đến nay miền núi phía Bắc có gần 5000ha lúa bị ngập nước. Từ đó, đòi hỏi chính quyền và người dân cần khẩn trương tiêu úng và tổ chức, hướng dẫn phục hồi sản xuất diện tích lúa bị ngập nước.
Thời gian tới, chúng ta cũng cần rà soát ngay phương án, xử lý sự cố để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều. Hiện, mưa lũ đã gây ra 48 sự cố đê điều tại 09 tỉnh phía Bắc. Cả nước có 244km đê thiếu cao trình (tập trung ở hạ lưu hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã); 713km đê không đảm bảo mặt cắt thiết kế; 318 vị trí/79km thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ.
Về hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện cũng cần kiểm tra, đánh giá ngay phương án đảm bảo vận hành và an toàn. Nhất là tại 366 hồ thủy lợi xung yếu và nhiều hồ thủy điện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cần đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực miền núi và vùng thấp trũng. Trong 02 đợt lũ, lũ quét vừa qua đã làm 2,7 triệu m3 đất đá đường giao thông bị sạt trượt. Hầu hết các tuyến đường giao thông khu vực miền núi đều bị sạt lở hư hỏng mỗi khi xảy ra mưa lũ, cần bố trí phương tiện, lực lượng để sẵn sàng xử lý.
HIẾU ANH