Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người dành cả đời để "khai phá chính mình"

Quỳnh Trâm - 19:06, 27/03/2022

"Tìm hiểu văn hóa Thái, tôi như được khai phá chính mình và hiểu hơn những giá trị văn hóa hàng ngàn năm của cha ông". Ông Cao Bằng Nghĩa (dân tộc Thái) ở huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), người đã có thời gian hơn 40 năm tìm tòi, nghiên cứu về văn hóa dân tộc Thái bộc bạch.

Tìm hiểu văn hóa Thái, đối với ông Cao Bằng Nghĩa như được khai phá chính mình và hiểu hơn những giá trị văn hóa hàng ngàn năm của ông cha
Tìm hiểu văn hóa Thái, đối với ông Cao Bằng Nghĩa như được khai phá chính mình và hiểu hơn những giá trị văn hóa hàng ngàn năm của ông cha

Có dịp đến thăm ông Cao Bằng Nghĩa ở khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và bị cuốn hút vào những câu chuyện mà ông kể về văn hóa của người Thái.

Với niềm đam mê văn hóa Thái, ông Nghĩa dành cả đời thu thập những hiện vật cổ, các loại nông cụ, nhạc cụ, trang phục của người Thái, biến ngôi nhà sàn của mình thành một bảo tàng thu nhỏ. Đặc biệt, ông còn có tài thổi khèn và rất am hiểu các loại nhạc cụ của người Mông như sáo Mông, khèn lá, khèn bè… Mỗi khi có khách, ông say sưa hàng giờ để giới thiệu về từng loại nhạc cụ và cách sử dụng.

Được biết, thời còn thanh niên, ông Nghĩa được điều từ ngành giao thông thủy lợi sang làm ở phòng Văn hóa huyện, cuối cùng là Trưởng Ban tuyên giáo huyện. Trong quá trình công tác ở địa phương, là những năm tháng ông Nghĩa gắn bó và sinh hoạt cùng cộng đồng người Thái. Với dòng máu Thái chảy trong huyết quản, nên ông ngày càng hun đúc và phát triển tình yêu với văn hóa dân tộc mình.

“Tìm hiểu văn hóa Thái, tôi như được khai phá chính mình và hiểu hơn những giá trị văn hóa hàng ngàn năm của cha ông”, ông Nghĩa chia sẻ.

Hơn 40 năm nghiên cứu, tìm tòi, điều ông trăn trở nhất, là  văn hóa truyền thống các dân tộc nói chung và văn hóa Thái đang dần bị mai một, quên lãng. Ông kể, giờ đây lớp trẻ không còn thích khặp, xường nữa, chỉ thích các dòng nhạc hiện đại... Thực ra, mỗi chúng ta ai cũng hiểu về quá trình tiếp biến văn hóa, và người trẻ cũng có nhu cầu tìm hiểu thế giới bên ngoài, với những điều mới mẻ, khác lạ. Có điều, ngôn ngữ và những mỹ tục là thứ cần thiết phải giữ gìn.

Hiện nay, điều ông lo lắng nhất là mất tiếng nói. “Giờ đây thế hệ trẻ đang xem nhẹ ngôn ngữ dân tộc mình. Không nhiều người quan tâm đến tiếng mẹ đẻ, trẻ con sinh ra không được dạy tiếng dân tộc mình. Đó là điều đáng lo ngại bởi mất đi văn hóa là mất đi cả một dân tộc”, ông Nghĩa nói.

Bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống là trách nhiệm của cả cộng đồng (Trong ảnh: Phụ nữ Thái giữ nghề duyệt truyền thống)
Bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống là trách nhiệm của cả cộng đồng (Trong ảnh: Phụ nữ Thái giữ nghề duyệt truyền thống)

Theo ông Nghĩa, gìn giữ văn hóa là công việc không chỉ cần trách nhiệm, mà còn cần có sự tự hào, niềm đam mê của những cán bộ văn hóa. 

“Nhìn vào lực lượng cán bộ văn hóa tại cơ sở mà tôi lo quá. Nhiều người thiếu kiến thức, thiếu tình yêu, sự say mê với những giá trị văn hóa. Vì thế mà ngoài những công việc hành chính thường ngày, họ chưa đáp ứng được hoạt động của ngành Văn hóa trong thời đại hiện nay”, ông nhận định.

Trong số những hiện vật văn hóa ông sưu tầm được, có nhiều món quý và có giá trị nhưng ông nói, những thứ đó không phải để bán, mà để gìn giữ dành cho con cháu sau này còn biết được hồn cốt dân tộc mình. Đơn cử như bộ chiêng đồng quý có từ xa xưa, ông mong muốn sau này huyện Quan Hóa có nhà truyền thống hay bảo tàng thì sẽ đem ra trưng bày.

Kể từ năm 2010, sau khi nghỉ chế độ, ông dành nhiều thời gian chuyên tâm sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa của dân tộc mình. Ngoài ra, ông còn đứng ra thành lập Câu lạc bộ Khèn bè và Câu lạc bộ Văn hóa dân gian huyện Quan Hóa để thu hút những người yêu văn hóa Thái tham gia.

“Hoạt động của các câu lạc bộ này dẫu có nhiều khó khăn, nhưng vẫn có các hội viên tâm huyết đồng hành. Càng hiểu họ, tôi càng thấy giống hình ảnh một con thuyền lẻ loi chèo chống trên những dòng sông”, ông Nghĩa trăn trở.

Bà Lương Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Quan Hoá chia sẻ, những năm gần đây, công tác bảo tồn văn hoá dân tộc Thái đã và đang được Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện chú trọng. Hằng năm, huyện tổ chức lễ hội Mường Ca Da nhằm tôn vinh bản sắc văn hoá của người Thái, giới thiệu những trò chơi, điệu múa, điệu khặp Thái đến bạn bè các dân tộc.

 Đặc biệt, ở địa phương có những người như ông Cao Bằng Nghĩa, đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và giữ gìn văn hóa của người Thái ở huyện Quan Hóa. Mới đây, Huyện cũng đã hoàn tất hồ sơ, đề xuất với tỉnh công nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian đối với ông Nghĩa.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.