Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn đọc

“Ngược dòng” thông tin

PV - 10:12, 20/06/2018

Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) là sự kiện tôn vinh những đóng góp của báo chí đối với việc góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước. Đối với những người làm báo nói chung và Báo Dân tộc và Phát triển nói riêng, ngày này có nhiều cảm xúc lắng đọng. Đây cũng là dịp để người làm báo chúng tôi kiểm đếm lại những việc đã làm và chưa làm được với bạn đọc trong suốt thời gian vừa qua.

Cơ sở chuyển động

Không ai có thể phủ nhận, nghề báo là một trong những nghề vất vả và nguy hiểm. Những năm qua, có không ít nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp ở cơ sở bị tai nạn, bị hành hung đến chấn thương, thậm chí có phóng viên khi tác nghiệp trong điều kiện thiên tai mà tử nạn. Nhưng những điều đó, không làm thay đổi sự tâm huyết đam mê nghề của những người đã chọn nghề, hay được nghề chọn. Bởi sự “chuyển động” ở cơ sở là những “phần thưởng” lớn nhất đối với các nhà báo. Với Báo Dân tộc và Phát triển, thời gian qua có nhiều bài báo mang tính phát hiện, phản biện xã hội với nhiều dấu ấn, phản ánh thực tế ở địa phương…, góp phần giúp cho các cấp chính quyền, lãnh đạo các địa phương, các cơ quan chuyên môn nhìn nhận ra thiếu sót từ đó kịp thời chỉnh sửa.

Phóng viên Trọng Bảo phỏng vấn người dân ở Bắc Hà cho bài viết: Hiệu quả cây thông Mã Vĩ. Phóng viên Trọng Bảo phỏng vấn người dân ở Bắc Hà cho bài viết: Hiệu quả cây thông Mã Vĩ.

 

Mới đây thôi, tháng 5 năm 2018, Báo Dân tộc và Phát triển đăng tải bài viết: “Nỗi niềm… nghệ nhân” của Nhà báo Ngọc Ánh. Bài viết phản ánh thực trạng nhiều người sau khi được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lại phải vật lộn với cuộc sống thường nhật, với nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”.

Nhà báo Ngọc Ánh cho biết, sau khi báo đăng tải, chị vẫn thường xuyên bám sát cơ sở, theo dõi thông tin. Chị rất vui mừng khi mới đây, vào đầu tháng 6, Phòng Văn hóa thông tin huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đã vào cuộc xác minh hai nghệ sĩ được nêu đích danh trong bài báo, là NSƯT Trương Sông Hương, dân tộc Thổ, ở xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp và NSƯT Sầm Văn Bình, dân tộc Thái ở xóm Yên Luốm, xã Châu Quang. Cơ quan liên quan đã rà soát, khắc phục ngay thiếu sót đưa hai NSƯT này vào danh sách hưởng theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 về việc hỗ trợ đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, nghệ nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Trước đó, tác phẩm “Đìu hiu chợ nông sản đặc hữu” của tác giả Trọng Bảo trên số báo 32 ra ngày 21/4/2018 cũng có nhiều phản hồi tích cực. Bài viết đã nêu thực trạng chợ nông sản đặc hữu Lào Cai sau khi khai trương không có người họp, các gian hàng luôn trong tình trạng đóng cửa gây lãng phí.

Sau khi báo đăng, lãnh đạo Sở Công thương Lào Cai đã ghi nhận thông tin báo nêu là hoàn toàn chính xác. Qua đó, lãnh đạo Sở này đã kịp thời rà soát lại hoạt động của khu chợ; nghiên cứu sắp xếp lại một số ki ốt cho phù hợp với ngành hàng. Đồng thời, theo dõi đối với các đơn vị được giao ki ốt mà không duy trì hoạt động thường xuyên, Sở Công Thương kiên quyết thu hồi và xem xét giao cho đơn vị khác có nhu cầu.

Vào tháng 3/2018, Nhà báo Thu Thảo (Quỳnh Trâm) cũng có bài đăng tải: “Cảng Lạch Bạng (Thanh Hóa) bị bồi lấp: Bao giờ hàng trăm con tàu được ra khơi?”. Bài viết phản ánh tình trạng nhiều tàu của ngư dân xã Hải Thanh, Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đang phải nằm bờ hoặc “chết” trên đáy biển cạn. Lý do là cảng Lạch Bạng bị bồi lấp. Kéo theo đó là hàng nghìn lao động không có việc làm, tổn thất rất lớn về kinh tế.

Ngay sau khi báo đăng tải, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương “Xử lý khẩn cấp nạo vét cửa ra vào cảng và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia”. Theo kế hoạch, quy mô đầu tư nạo vét đất, cát bồi lắng cửa Lạch Bạng với chiều dài dự kiến khoảng 1,2km kinh phí cho dự án này được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2018, với số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện trong năm 2018.

Lắng nghe để hoàn thiện mình

Không chỉ giúp cho cơ sở có sự thay đổi; qua quá trình tác nghiệp, tiếp xúc với bạn đọc là đồng bào DTTS, đặc biệt là già làng trưởng bản, Người có uy tín, bản thân những người làm Báo Dân tộc và Phát triển cũng đã tiếp thu được nhiều ý kiến bổ ích, học hỏi thêm kinh nghiệm từ đó hoàn thiện mình.

 Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển tác nghiệp tại thôn Khâu Đáy, xã Du Già, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển tác nghiệp tại thôn Khâu Đáy, xã Du Già, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

 

Trong Hội nghị cộng tác viên và bạn đọc tổ chức ở nhiều khu vực trên địa bàn cả nước hằng năm; mới đây vào tháng 4/2018 là ở Tây Bắc, nhiều đại biểu là Người có uy tín tham dự đã nêu những ý kiến rất tâm huyết, như ông Hoàng Văn Mốc, Người có uy tín ở bản Luông Mé, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La nhận xét, thời gian vừa qua, Báo Dân tộc và Phát triển thực sự đã trở thành kênh thông tin chính xác nhất về tuyên truyền công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Bên cạnh đó, Báo cũng đã tuyên truyền đậm nét các gương điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào.

Tuy nhiên, ở góc độ bạn đọc, ông nhận thấy cỡ chữ trên Báo Dân tộc và Phát triển còn khá nhỏ, ảnh chưa nhiều và đa dạng. Về mặt nội dung, bản thân ông Mốc cùng nhiều Người có uy tín khác rất thích các chuyên mục như hỏi đáp pháp luật, câu chuyện pháp luật, thuốc trong vườn nhà. Vì đây là những ô thông tin ngắn gọn bổ ích, có tính ứng dụng cao trong đời sống thực tiễn.

Ngay sau các hội nghị cộng tác viên và bạn đọc này, lãnh đạo Báo Dân tộc và Phát triển cũng đã có những cuộc họp với khối nội dung để thông báo ý kiến đóng góp của bạn đọc, chấn chỉnh khắc phục những hạn chế trên từng trang báo, chuyên mục của tờ báo. Theo đó, cỡ chữ của Báo Dân tộc và Phát triển đã được trình bày to hơn, các bài viết đi theo hướng ngắn gọn để tăng cường thêm ảnh. Các chuyên mục tiếp tục được định hướng thiết thực hơn, gần gũi hơn với cuộc sống của đồng bào các DTTS.

Đối với mỗi phóng viên của Báo Dân tộc và Phát triển mỗi lần tác nghiệp, tiếp xúc với đồng bào DTTS, chúng tôi cũng học hỏi được nhiều hơn, biết thêm các phong tục, tập quán từ đó làm giàu kiến thức của chính mình. Những người làm báo chúng tôi luôn nuôi dưỡng một niềm tự hào, mỗi lần vào các bản làng, chúng tôi được trải nghiệm, được học thêm những điều lý thú mà sách vở khó mà dạy hết được. Chỉ đơn giản như, khi đến nhà người Tày, không bao giờ được tự tiện vào buồng của phụ nữ, không được vỗ vào vai của người Mông; hay khi thấy trước nhà của đồng bào dân tộc Nùng cắm cây xanh là báo hiệu không cho người lạ vào…

Có thể nói, cuộc đồng hành của Báo Dân tộc và Phát triển và bạn đọc sẽ còn nhiều điều phải làm. Nhưng với sự tâm huyết của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, chắc chắn mối quan hệ này sẽ ngày càng bền chặt hơn, đáp ứng đúng tôn chỉ mục đích của Báo là diễn đàn của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

BAN BẠN ĐỌC VÀ VPTT

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!