Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn đọc

Mường Lát thấp thỏm khi mùa lũ về

PV - 14:32, 27/07/2018

Cơn bão Sơn Tinh (bão số 3) vừa quét qua địa bàn Thanh Hóa khiến nhiều vùng miền núi bị sạt lở nghiêm trọng. May mắn, đợt mưa lũ này, huyện Mường Lát, do địa thế ở nơi cao nhất của Thanh Hóa nên không bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn luôn thấp thỏm, lo lắng về thiên tai.

Ám ảnh về thiên tai

Xã Tam Chung là địa phương thường xuyên chịu hậu quả nặng nề bởi thiên tai. Địa bàn rộng, nhiều núi dốc. Đặc biệt, các bản nằm dọc tuyến sông Mã và trên những triền núi cao, nên địa phương này đã không ít lần phải hứng đau thương và mất mát.

Câu chuyện cách đây 5 năm, người dân xã Tam Chung vẫn không quên cái chết thương tâm của 4 người trong gia đình anh Giàng A Sùng bị lũ quét cuốn trôi tại khu vực suối Lồng. Trưởng bản Suối Lóng, Sùng A Tụa, kể lại: “Còn nhớ ngày hôm đó, nhận được tin hai vợ chồng Giàng A Sùng và 2 đứa con nhỏ bị nước lũ cuốn trôi, người dân trong bản ai cũng hoang mang, lo sợ. Trận lũ quét năm đó, bản có 4 người chết, nhiều tài sản của bà con trong bản cũng bị lũ cuốn trôi, cuộc sống của người dân trong bản ngày càng thêm khó khăn”.

Mường Lát thấp thỏm khi mùa lũ về Trường tiểu học tại bản Ón đã phải di dời do nguy cơ sạt lở cao.

Gia đình anh Vi Văn Mùi (bản Lát) nằm trong vùng nguy cơ bị lũ quét nên mỗi năm mùa mưa lũ đến, gia đình anh lại sống trong tâm trạng nớp nóp lo sợ. Anh Mùi cho biết: Mỗi lần mưa to là nước lên đến sát nhà anh, vì vậy, hôm nào trời mưa là cả nhà không ai dám ngủ. Biết nơi mình ở là nguy hiểm nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, chúng tôi không có đủ tiền để di dời đi và xây dựng nhà ở mới.

Ông Hà Văn Thiếu, Chủ tịch UBND xã Tam Chung, cho biết: Sau những trận mưa bão lớn đi qua, hình ảnh về những ngôi nhà bị hư hỏng, bị nước lũ cuốn trôi chỉ còn trơ lại chân móng hay vài khúc gỗ mục nát, hoa màu bị đất đá vùi lấp đã không còn xa lạ với người dân nơi đây.

Hiện nay, 7/8 bản trên địa bàn xã đều nằm trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Trong đó có vùng trọng điểm nguy cơ cao như bản Ón, bản Poọng, Suối Phái, Suối Lóng, Cân, Tân Hương với gần 20 hộ dân nằm trong diện cần được di dời.

Theo lời Chủ tịch xã, cũng may cơn bão số 3 (Sơn Tinh) vừa qua, Tam Chung không bị thiệt hại lớn, chỉ có một vài hộ bị sạt lở móng nhà. Tuy nhiên, về lâu dài, địa phương rất mong muốn có kinh phí để sớm di dời những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn, tránh được nguy hiểm rình rập mỗi khi mưa gió về.

Cần lo trước

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Lát, hầu hết ở các xã, thị trấn đều có những vùng trọng điểm, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Đặc biệt, là khu vực nằm ven các tuyến đường dọc sông Mã.

Theo ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: Để ứng phó với mùa mưa lũ, ngay đầu năm 2018, huyện Mường Lát đã tiến hành rà soát, thống kê các hộ nằm trong khu vực bị ảnh hưởng thiên tai cần được di dời. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động và khẩn trương tổ chức di dân vùng ảnh hưởng thiên tai. Huyện đang có 461 hộ nằm rải rác ở các xã có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, dân cư ở bãi sông, vùng trũng thấp cần được di dời khi có thiên tai xảy ra.

Tuy nhiên, hiện nay công tác di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng thiên tai trên địa bàn huyện Mường Lát gặp nhiều khó khăn do không có nguồn kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó là sự eo hẹp về quỹ đất và nhận thức của người dân về công tác phòng tránh thiên tai chưa cao. Hầu hết những hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng thiên tai đều thuộc diện hộ nghèo nên chưa đủ điều kiện kinh tế để di dời, xây dựng nhà ở cũng như khai hoang, canh tác sản xuất ở vùng đất mới.

Giải pháp trước mắt, vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân không ở lại khu vực chòi rẫy, đồi núi cao khi có mưa lớn. Đồng thời, chủ động di dời đến nơi ở an toàn. Hiện nay, huyện cũng đang cố gắng bố trí nhà ở xen ghép cho các hộ dân vùng ảnh hưởng thiên tai đến các bản an toàn. Song trên thực tế, sơ tán, di dời dân trong mùa mưa bão chỉ là giải pháp tình thế.

Cũng theo ông Cường, để chủ động ứng phó với thiên tai có thể xảy ra, huyện đã khoanh vùng khu vực trọng điểm có thể bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác bảo vệ, khoanh nuôi phát triển diện tích rừng phòng hộ; đầu tư xây dựng hệ thống bờ kè hai bên sông suối và các công trình phòng, chống bão, lũ để người dân không còn nỗi lo thường trực mỗi khi mưa lũ tràn về.

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!