Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Miền di sản xứ Nghệ

An Yên - 14:39, 13/03/2023

Nghệ An xưa là đất phên giậu. Lịch sử vùng đất không chỉ là những lát cắt của những biến cố và thăng trầm. Mà có lẽ tự nó cũng đã mang trong mình bao “trầm tích” đặc trưng của văn hóa và con người với bề dày ngàn năm để làm nên một miền di sản văn hóa xứ Nghệ đồ sộ.

Đền Vạn-Cửa Rào, một điểm đến khó cưỡng của du lịch tâm linh
Đền Vạn - Cửa Rào, một điểm đến khó cưỡng của du lịch tâm linh

Vùng đất của di tích, danh thắng

Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An có gần 2.500 di tích lịch sử - văn hóa. Hệ thống di tích này trải dài từ miền xuôi lên miền ngược, từ đồng bằng lên miền núi cao; gắn với tín ngưỡng - tôn giáo hoặc các danh nhân, sự kiện có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa. Điều đó không chỉ thể hiện những dấu ấn đặc trưng truyền thống văn hóa và con người, mà còn góp phần quan trọng làm nên sự phong phú, đa dạng và đặc sắc của vùng văn hóa xứ Nghệ.

Hiện nay, hệ thống di tích, các công trình văn hóa, lịch sử, tâm linh ở Nghệ An không chỉ đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh của người dân trong tỉnh, mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm bái của du khách gần, xa. Ngoài di tích Quốc gia đặc biệt là Khu Di tích Kim Liên, còn có nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia, như đền thờ Vua Mai, đình Hoành Sơn (Nam Đàn), đền Nguyễn Xí (Nghi Lộc)...

Điều đáng quan tâm, các di tích nơi đây đều gắn chặt, hoặc liên quan với các lễ hội truyền thống địa phương. Trong đó, có 7 lễ hội và tín ngưỡng truyền thống đã được lập hồ sơ đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là Nghi lễ Xăng khan của đồng bào Thái ở các huyện miền Tây, Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười và Lễ hội Đền Thanh Liệt (Hưng Nguyên), Lễ hội Đền Bạch Mã (Thanh Chương), Lễ hội Đền Cờn (Hoàng Mai), Lễ hội Đền Chín Gian (Quế Phong), Lễ hội Đền Quả Sơn (Đô Lương).

Những ai đã từng chiêm bái các công trình văn hóa, di tích, thắng cảnh ở xứ Nghệ, hẳn đã từng nghe qua về câu ca nói đến 4 ngôi đền thiêng: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Theo thứ tự “xếp hạng”, Đền Cờn thờ Tứ Vị Thánh Nương; đền Quả thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang; đền Bạch Mã thờ dũng tướng Phan Đà - là những vị phúc thần, được Nhân dân bao đời hết mực tôn thờ. Riêng, Đền Chiêu Trưng giờ không còn, nhưng 3 ngôi đền còn lại vẫn là “chốn thiêng” của du khách mọi miền.

Trong tâm thức của những người làm công tác du lịch, thì du lịch văn hóa tâm linh được xác định là 1 trong 3 “chân kiềng” của du lịch Nghệ An; cùng với du lịch biển và du lịch sinh thái. Từ lâu, du lịch tâm linh đã là chỗ đứng không thể thiếu trong suy nghĩ của du khách mọi miền.

Đến từ Lào Cai, vợ chồng anh Nguyễn Hồng Quảng chia sẻ: Năm nào, nhà tôi cũng dành thời gian vào Nghệ An đi lễ cầu an đầu năm, tạ lễ cuối năm. Ngôi đền mà chúng tôi thường đến là đền Ông Hoàng Mười. Ngoài ra, một số di tích khác quanh Tp. Vinh như quê Bác, chùa Đại Tuệ ở Nam Đàn, Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn và đền Quả Sơn ở Đô Lương… cũng được gia đình ghé thăm. Cũng nhờ thế mà tâm hồn, tinh thần mình luôn cảm thấy thoải mái, cuộc sống bình yên hơn.

“Mỗi một di tích ở Nghệ An mang một vẻ đẹp riêng, nét cổ kính gắn với sự tích riêng. Đó không chỉ là công trình kiến trúc văn hóa tâm linh, mà còn là nét văn hóa truyền thống mang đậm dấu ấn vùng miền của đất và người”, chị Trần Thúy Hồng ở Hoài Đức, Hà Nội bày tỏ khi trải qua tuor từ Đền Cờn (Hoàng Mai), đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên), quê Bác, đền Quả (Đô Lương)…

Trẩy hội… xứ Nghệ

Mỗi di tích gắn với sự tích riêng, thường được tổ chức lễ gắn với phần hội hấp dẫn. Mùa Xuân năm nay, toàn tỉnh có 29 lễ hội truyền thống quy mô cấp huyện và tỉnh, trong đó có 20 lễ hội diễn ra vào mùa Xuân. Đó không chỉ là dịp để người dân quanh vùng thụ hưởng giá trị văn hóa tinh thần, mà còn là điều kiện quan trọng để các địa phương phát triển các loại hình dịch vụ để thu hút khách du lịch.

Đua thuyền trên sông Lam tại lễ hội đền Quả
Đua thuyền trên sông Lam tại lễ hội đền Quả

Đền Vạn - Cửa Rào, một ngôi đền thiêng nằm ở nơi hợp lưu của dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ để thành dòng sông Lam. Ngoài phần lễ nghiêm trang, du khách về chiêm bái đền, cầu lộc, cầu an còn được hòa mình vào các hoạt động lễ hội mang đậm bản sắc của đồng bào các DTTS ở vùng đất rẻo cao Tương Dương. Đó là các trò chơi dân gian như: Ném còn, đẩy gậy, đi cà kheo, đánh đu và chương trình giao lưu văn hóa - văn nghệ để du khách có điều kiện thưởng thức, trải nghiệm. Những gian hàng ẩm thực địa phương (gà nướng, thịt nướng, cá nướng, cơm lam, xôi ngũ sắc) đáp ứng nhu cầu thưởng thức sản vật của núi rừng.

Còn Lễ hội Đền Cờn (Hoàng Mai), ngoài việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, lễ hội còn hướng tới mục tiêu thu hút đông đảo du khách về với vùng quê ven biển. Ở đó, có các trò chơi truyền thống như: Đua thuyền mủng, đánh cờ thẻ, tổ chức cuộc thi người đẹp Hoàng Mai hấp dẫn. Riêng tục chạy Ó của thanh niên làng biển vừa mang yếu tố tâm linh, vừa đậm chất dân gian, thực sự cuốn hút Nhân dân và du khách.

Để hấp dẫn khách du lịch, bên cạnh các nghi lễ, Ban Tổ chức Lễ hội đã quan tâm đến việc tổ chức các trò chơi và môn thể thao dân gian, như: Hội vật truyền thống, cờ thẻ, chọi gà… nhất là khôi phục các trò chơi dân gian như vật Cù (lễ hội đền Bạch Mã), chạy Ó (lễ hội đền Cờn), đua thuyền (lễ hội đền Quả)…

Tục rước kiệu chạy ó ở đền Cờn
Tục rước kiệu chạy ó ở đền Cờn

Mỗi lễ hội mang một nét đặc trưng văn hóa riêng, hấp dẫn du khách bằng những trò chơi truyền thống riêng. Nói về đất Lường (Đô Lương) là nói đến trẩy hội đền Quả Sơn - nơi Uy Minh Vương Lý Nhật Quang từng chọn làm điểm đứng chân khai phá, bảo vệ vùng biên cương phía Nam. Về Lễ hội Làng Vạc (thị xã Thái Hòa), là để tưởng nhớ công đức các vị Vua Hùng có công dựng nước và giữ nước, tìm về với cội nguồn, với dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm. Hay đến Lễ hội Đền Chín Gian (Quế Phong), là đến với đất Mường Tôn xưa - trung tâm của 9 bản, 10 mường theo quan niệm của đồng bào Thái.

Từ thực tiễn cho thấy, dòng chảy của lễ hội ở Nghệ An chính là dòng chảy truyền thống của lịch sử và văn hóa, được hình thành từ lâu đời và bồi đắp nên những “bãi phù sa” màu mỡ, ẩn chứa bao “trầm tích”. Đó cũng chính là điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa, trải nghiệm và thưởng ngoạn đời sống văn hóa - tâm linh.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.