Bài 1: Làm gì để lập nghiệp trong các làng lập nghiệp
Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) là Dự án có mục tiêu định canh định cư cho thanh niên DTTS ở khu vực biên giới, địa bàn ĐBKK. Tuy nhiên, ở nhiều Làng hiện vẫn đang trong trạng thái chờ: chờ đất sản xuất, chờ chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi…
Lập nghiệp từ 300m2 đất sản xuất/hộ!
Trung tuần tháng 3, chúng tôi về Làng TNLN biên giới Lý Quốc, xã Lý Quốc (Hạ Lang, Cao Bằng). Tuyến đường từ TP. Cao Bằng về đến thác Bản Giốc (92km) đã được đầu tư, nâng cấp; nhưng từ thác về đến Làng TNLN biên giới Lý Quốc lại lồi lõm “sống trâu”, “ổ voi”, trơn trượt trong mưa phùn nên dù dài chưa đầy 20 cây số, chúng tôi cũng phải mất gần tiếng rưỡi đồng hồ di chuyển.
Trong căn nhà cấp 4 tạm bợ, rộng chỉ khoảng 50m2, ông Mã Nông Tuân, sinh năm 1984, Bí thư Chi bộ xóm Lập Nghiệp, xã Lý Quốc (tên gọi hiện nay của Làng TNLN biên giới Lý Quốc khi chuyển giao về cho chính quyền địa phương quản lý-Pv) đã có những chia sẻ rất thật lòng về thực trạng của Làng.
Ông bảo, Làng được thành lập năm 2009, với mục tiêu định canh, định cư cho 45 hộ thanh niên dân tộc Tày, Nùng đủ tiêu chuẩn của xã Lý Quốc. Nhưng sau 10 năm, Làng cũng chỉ tiếp nhận có 26 gia đình.
“Cái khó nhất khiến Làng không tuyển đủ số hộ theo quy mô Dự án là do thiếu đất sản xuất. Hơn nữa, điều kiện nhà ở không tốt nên nhiều thanh niên không muốn vào ở”, ông Tuân nói.
Để cụ thể hơn, ông Tuân đã gọi điện hỏi Trưởng xóm, sau đó thông tin rằng, Làng có tổng diện tích khoảng 5ha. Theo thiết kế thì mỗi hộ được cấp đất ở bình quân là 600m2, nhưng đất sản xuất chỉ được 300m2. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên chừng đó đất không thể đủ để bảo đảm lương thực chứ chưa nói tới chuyện sản xuất theo hướng hàng hóa.
Chỉ căn nhà cấp 4 tềnh toàng của mình, ông Tuân cho hay, khi vào ở trong Làng, mỗi gia đình được hỗ trợ 30 triệu đồng để xây nhà. Do địa bàn biên giới, giao thông đi lại quá khó khăn nên số tiền hỗ trợ đó là không thể đủ.
“Để làm căn nhà như thế này (nhà ông Tuân-Pv), tính cả công và vật liệu thì tối thiểu cũng phải 60 triệu đồng. Tôi có nghề xây dựng nên nhờ anh em đứng ra tự làm toàn bộ cũng đã hết 35 triệu đồng”, ông Tuân cho biết.
Ấy là chưa kể, như chia sẻ của ông Tuân, khi giải phóng xong mặt bằng Dự án Làng, Tỉnh đoàn Cao Bằng chủ trương không đưa tiền trực tiếp cho các hộ mà phối hợp với doanh nghiệp xây dựng nhà cho thanh niên, hình thức “chìa khóa trao tay”. Nhưng diện tích của mỗi nhà trong Làng chỉ 30m2 nên không có gia đình nào đồng ý; cả 26 hộ trong Làng đều tự làm nhà để ở.
Vắng dần những dân cư của làng
Thực trạng trên không chỉ có ở xóm Lập Nghiệp, xã Lý Quốc của tỉnh Cao Bằng. Tính đến nay, cả nước đã có 32 Làng TNLN được xây dựng; chi phí đầu tư mỗi Dự án hàng chục tỷ đồng; tuy nhiên nhiều Dự án lại gây thất vọng.
Có thể kể đến làng TNLN A Lưới (xã Hương Phong, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế), tổng mức đầu tư 24 tỷ đồng, bắt đầu tiếp nhận thành viên vào ở từ năm 2013. Cũng được hỗ trợ 30 triệu đồng để làm nhà, 45 hộ dân tham gia Dự án này đã vay thêm để làm nhà ở kiên cố, rộng rãi. Nhưng do chỉ được cấp 0,7ha đất sản xuất (trong khi đó theo quy mô Dự án là cấp 2ha, cộng thêm 2.000m2 đất ở và đất vườn) nên đời sống của đại bộ phận gia đình trong Làng rất bấp bênh; vừa phải lo chi phí sinh hoạt hằng ngày, vừa phải lo trả khoản vay làm nhà.
“Tai tiếng” nhất có lẽ là Dự án Làng TNLN Sông Chàng (Như Xuân, Thanh Hóa). Dự án có mức đầu tư hơn 32 tỷ đồng, phê duyệt đầu tư năm 2007, được kỳ vọng mở ra cánh cửa thoát nghèo cho thanh niên. Nhưng sau 12 năm, Làng giảm dần thành viên vì nghèo khó, thiếu thốn đủ bề. Từ chỗ có 121 hộ, đến nay Làng chỉ còn 55 hộ sinh sống thực tế.
Quay lại thực tế ở Làng TNLN biên giới Lý Quốc (Hạ Lang, Cao Bằng), như chia sẻ của ông Bí thư Chi bộ Mã Nông Tuân thì Làng không có tình trạng đói vào mùa giáp hạt; tỷ lệ hộ nghèo cũng không nhiều. Có được kết quả này không phải là do Dự án Làng hiệu quả mà do Làng cách cửa khẩu Lý Quốc chưa đầy 4km. Với tần suất thông quan bình quân 100 xe/ngày (cao điểm 250 xe/ngày), cửa khẩu đã tạo việc làm cho tất cả thanh niên trong Làng.
Nêu lên như vậy để thấy, đời sống của người dân ở một số Dự án Làng TNLN đang rất mong manh. Quan tâm nhất là, họ sẽ phải làm gì khi kinh phí hỗ trợ cho các Dự án đã cơ bản kết thúc? Thực tế hiện nay các thành viên ở các Làng TNLN đã hết tuổi thanh niên nhưng vẫn đang “chờ” những điều kiện tối thiểu để lập thân, lập nghiệp. Đó là đất sản xuất, hướng nghiệp, dạy nghề, vốn khoa học-kỹ thuật,… Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
SỸ HÀO