Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Làng nghề chạy đua cùng mùa nước nổi

PV - 15:07, 20/08/2018

Hiện tại, mực nước tại các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long đạt mức khá cao so với cùng kỳ năm trước. Nhiều cánh đồng ngoài đê bao tại các huyện An Phú (tỉnh An Giang), huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) nước cao ngang ngực người lớn. Do con nước về khá nhanh nên phần lớn diện tích hoa màu, lúa ngoài đê bị thiệt hại. Tuy vậy, việc mưu sinh từ nguồn lợi thủy sản, sản vật mà mùa nước nổi mang lại cũng phần nào bù đắp cho bà con.

Gia đình ông Trương Thanh Hưng (ở xã Bình Thạnh, Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) gắn bó với nghề làm lọp cua trên 10 năm. Dù sản xuất quanh năm, song cứ vào mùa nước nổi thì hoạt động này tại gia đình ông Hưng lại nhộn nhịp hơn, hiệu suất làm việc tăng gấp 2, 3 lần so với ngày thường... Ông Hưng cho biết, lũ lớn về, người dân mua sắm, làm mới các ngư cụ để bắt cá, tôm nên hoạt động kinh doanh, sản xuất ngư cụ nơi đây cũng nhộn nhịp hơn hẳn.

Các làng nghề sản xuất ngư cụ ở miền Tây hiện đang rất tất bật. Các làng nghề sản xuất ngư cụ ở miền Tây hiện đang rất tất bật.

Theo ông Hưng, làm lọp cua phải mất nhiều công đoạn, nên mỗi ngày một người chỉ làm được khoảng 3-4 cái. Mỗi mùa nước nổi, gia đình ông cung ứng ra thị trường trên 1.000 cái lọp với giá từ 28.000-30.000 đồng/cái, trừ chi phí người sản xuất có lãi từ 10.000-15.000 đồng/cái. “Thời điểm bán được nhiều nhất là từ đây cho đến tháng 9, bởi vì đã vào vụ, người dân mua lọp đi đặt nhiều lắm. Bây giờ con nước đang về, nước nhiều chừng nào thì người dân đặt lọp cua nhiều chừng ấy”-ông Hưng cho biết.

Còn ông Phạm Văn Dũng (ấp Bình Chánh, xã Bình Thạnh, TX. Hồng Ngự) đã nhiều năm mưu sinh bằng nghề đan lưới thuê chia sẻ: “Ngày thường cũng có người đặt mình đan lưới với kích cỡ theo yêu cầu. Lúc này, mùa nước đang về, hàng đặt nhiều hơn. Hiện bình quân mỗi ngày tôi đan được 2 chiếc cho khách, thu nhập khoảng 150 ngàn. Mỗi mùa nước lên, tôi đan khoảng 70-100 chiếc lưới đủ loại. Năm nay lũ về sớm, nước dự báo ngập sâu nên lượng hàng có thể tăng hơn năm ngoái...”.

Ngoài hoạt động gia công, sản xuất, các cửa hàng kinh doanh ngư cụ cũng “ăn nên làm ra”. Theo một số chủ cửa hàng kinh doanh tại chợ Hồng Ngự, do năm nay nước về sớm và lớn nên cửa hàng phải chủ động đặt thêm hàng với số lượng lớn. Trong đó, các loại lưới đang được người dân tại các vùng lũ tập trung mua nhiều nhất.

Anh Trương Hoài Nam - chủ cơ sở kinh doanh ngư cụ tại phường An Thạnh, TX. Hồng Ngự cho biết: “Năm nay do lũ về sớm nên bà con chuẩn bị dụng cụ sớm hơn. Lượng khách mua năm nay tăng gấp đôi so với năm trước. Thường người dân chuẩn bị “đón lũ” trước 1, 2 tháng, nhưng năm nay lũ về sớm và bất ngờ nên nhiều người không kịp trang bị ngư cụ. Do đó, nhiều người tìm mua các mặt hàng làm sẵn để kịp vào mùa đánh bắt thủy sản”.

Nhiều hộ dân sống vùng “rốn lũ” xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang cũng cho biết, nước lũ năm nay về sớm hơn mọi năm khoảng một tháng. Chính vì sự bất thường này, nhiều ngư dân sống nghề câu lưới trở tay không kịp vì chưa sẵn sàng đón lũ. Hiện nay, bà con đang tất bật chuẩn bị ngư cụ đánh bắt tôm, cá...

Theo bà con vùng lũ đầu nguồn, thời điểm khai thác thuỷ sản của mùa nước nổi theo truyền thống thì cứ sau Trung thu (Rằm tháng 8 âm lịch) được bà con bắt đầu, còn đối với cá linh phải chờ Chi cục Thuỷ sản cho phép. Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết: “Mùa nước nổi là lúc bà con không trồng hoa màu gì được, chỉ trông chờ vào khai thác thuỷ sản, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhưng để bảo tồn nguồn lợi thuỷ sàn trong tự nhiên, Chi cục cũng có quy định về thời gian khai thác, các ngư cụ bà con sử dụng phải đúng theo quy định. Không vì quyền lợi trước mắt mà tận diệt nguồn thuỷ sản trong tự nhiên. Theo quy định, mùa vụ được phép khai thác cá linh phải sau ngày 31/8; kích thước cá chiều dài tối thiểu cho phép khai thác phải đạt từ 5cm trở lên… và các quy định như không được dùng điện hoặc dùng lưới đánh bắt cá nhỏ hơn kích cỡ quy định”.

Mùa nước nổi là lúc bà con không trồng hoa màu gì được, chỉ trông chờ vào khai thác thuỷ sản, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhưng để bảo tồn nguồn lợi thuỷ sàn trong tự nhiên, Chi cục cũng có quy định về thời gian khai thác, các ngư cụ bà con sử dụng phải đúng theo quy định. Không vì quyền lợi trước mắt mà tận diệt nguồn thuỷ sản trong tự nhiên.” (Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang)

Ý VY