Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn đọc

Lâm Đồng: Cho vay phân bón, gán nợ đất đai. Lợi dụng sự thiếu hiểu

PV - 16:22, 28/06/2018

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào DTTS, từ nhiều năm qua, một số đối tượng đã tới thôn Ðạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng dụ dỗ người dân theo chiêu bài “đầu tư” phân bón cho người dân, rồi gán trả nợ bằng đất sản xuất. Theo đó, không ít hộ gia đình đã và đang bị ép buộc phải chuyển giao quyền sử dụng đất do không trả được nợ.

Dụ dỗ người dân vay phân bón, các đối tượng buộc họ phải gán nợ đất đai. (Ảnh: minh họa) Dụ dỗ người dân vay phân bón, các đối tượng buộc họ phải gán nợ đất đai. (Ảnh: minh họa)

 

Chiêu bài để gán nợ

Một số người dân của thôn Đạ Nghịt cho biết, ngay từ năm 2001, họ được một số người ở TP . Đà Lạt “đầu tư” cho vay phân bón, gồm: phân dê, phân NPK, phân đạm U rê, phân lân…Việc cho vay này kéo dài trong nhiều năm, rồi bất ngờ, các “nhà đầu tư” quay trở lại rồi tính lãi xiết nợ.

Gia đình Liêng Hót K’Brơn được “chủ đầu tư” đầu tư 700 bao phân dê, trong lúc gia đình chỉ yêu cầu 200 bao và tại thời điểm đó, 1 bao phân dê 25 nghìn đồng. Phân dê đã đổ xuống sân nhà và nghe lời đường mật của “chủ đầu tư” rằng: chỗ quen biết, 200 cũng như 700, bón nhiều cà phê mới tốt, khó lắm mới vận chuyển vào đây.

Cà phê tốt đâu không biết, hai năm sau khi bón xong phân, nghĩa là năm 2003, hộ gia đình Liêng Hót K’Brơn phải gán 3 sào đất cà phê cho “chủ đầu tư” để trả tiền phân bón. 3 sào cà phê vẫn chưa thấm vào đâu, năm 2016, gia đình phải tiếp tục gán 1 sào đất ngay sau ngôi nhà của mình để trả vào số tiền phân dê còn nợ.

Lấy được đất phía sau nhà, “chủ đầu tư” lại vẽ ra số tiền còn nợ là 20 triệu đồng đòi cấn trừ vào đất xin đường đi. Oái ăm thay, nếu muốn có đường thì phải phá căn phòng khách mà gia đình bấy lâu tích cóp mới xây dựng được. Không một chút thương tiếc, ngày nào “chủ đầu tư ” cũng bám lấy gia đình Liêng Hót K’Brơn để xin phá phòng khách làm đường. Cùng cực gia đình yêu cầu phải làm giấy tờ xác minh số nợ, còn phòng khách thì tuyệt đối không vì cả nhà chỉ có cái phòng này là sang nhất. Vậy là “chủ đầu tư” rời khỏi gia đình, vài tháng sau số nợ tăng lên 100 triệu đồng được thông báo bằng miệng cho gia chủ.

Còn gia đình Lơ Mu Ha Phương được “đầu tư” 300 bao phân dê vào thời điểm năm 2012, để rồi phải trả nợ bằng 4 sào đất, số tiền còn nợ theo thông báo mà gia đình nhận được là 90 triệu đồng. Nhưng, đến thời điểm năm 2018 này, không biết nó lên bao nhiêu nữa, nhưng theo Lơ Mu Ha Phương tâm sự thì, có khi lên đến vài trăm triệu đồng rồi, chả biết tính toán thế nào mà nợ lên nhanh thật.

Phân bón “giả”

Đầu tư phân dê, rồi đến lượt phân hóa học. Năm 2013, anh Liêng Hót Ha Sel được “đầu tư” 3 bao phân NPK xanh, 15 bao phân lân, 3 triệu đồng tiền mặt rồi được thông báo rằng, số tiền nợ là 60 triệu đồng. Lạ kỳ thay, phân bón đến đâu, cà phê vàng đến đó, anh Liêng Hót Ha Sel không phải là kỹ sư nông nghiệp, nhưng bằng mắt thường anh nhận định đây là phân bón giả, vì bón xuống vài ngày, đào lên chỉ thấy cát, sỏi. Bực bội vì mất công, mất của mà cà phê tiêu điều anh quyết không trả tiền phân, vì chính phân bón này đã làm hại cà phê của anh.

Còn anh Liêng Hót Ha Tân, sau khi bón xong phân hóa học cho cà phê cũng bị vàng lá, chết dần chết mòn, vậy mà vẫn phải trả nợ bằng đất. Anh quyết giữ lại bằng được mẫu phân bón này để hy vọng có cơ quan chức năng nào quan tâm, anh mang cho họ làm thí nghiệm.

Người dân phản ứng quyết liệt vì phân bón giả, chủ đầu tư phải ra mặt thu hồi làm điểm ở một số gia đình. Nhưng thu hồi phân bón mà nợ vẫn còn, đất thì mất, cà phê thì vàng úa, xơ xác. Và lâu lâu, “chủ đầu tư” lại vào hét số nợ mức trên trời.

Một người dân trong thôn cho biết, ngày trước bà con thiếu hiểu biết, mặt khác cũng làm ăn được một thời gian lâu dài với các đối tượng này, tin tưởng nhau quá mức, đến khi trúng chiêu lừa gạt thì mới tá hỏa, nhưng đã giao kèo với nhau cho dù trên miệng thì cũng khó ăn khó nói. Để rồi thôn nghèo này, nợ nần chồng chất, mà nợ trả bao nhiêu cũng không hết, vì lãi mẹ nó đẻ lãi con.

Hiện tượng trên rất cần được chính quyền, cơ quan chức năng địa phương vào cuộc điều tra làm rõ để bảo vệ người dân.

THIÊN ĐỨC - TUẤN ANH

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!