Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Sỹ Hào - 11:53, 26/01/2021

Sáng 26/1/2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Trong phiên khai mạc, Đại hội đã nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh vị thế, tiềm lực lớn mạnh của đất nước.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn kiện trình Đại hội. (Ảnh: TTXVN)
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn kiện trình Đại hội. (Ảnh: TTXVN)

Quá trình chuẩn bị Văn kiện công phu, kỹ lưỡng, khoa học

Trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Đại hội là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, dân tộc, đất nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Cán bộ, đảng viên đang náo nức chờ mong, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng suốt của Đại hội. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đại hội XIII có chủ đề: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN. Đây là dấu mốc quan trọng của dân tộc, Đảng ta, đất nước ta. 

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại hội XIII, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đã chuẩn bị Đại hội từ rất sớm. Từ tháng 10/2018, các Tiểu ban đã được thành lập để chuẩn bị cho Đại hội, trong đó Tiểu ban Văn kiện do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm Trưởng tiểu ban. 

Trong hơn 2 năm qua, các Tiểu ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, các bộ, ban, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức gần 60 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm và thành lập 50 đoàn đi khảo sát thực tế, tham vấn ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các chuyên gia, tổ chức quốc tế. Các cơ quan nghiên cứu lý luận, khoa học đã gửi 80 báo cáo tư vấn, báo cáo kiến nghị cho các Tiểu ban. Nhiều  lãnh đạo lão thành, các nhà khoa học tâm huyết đã gửi góp ý vào các Văn kiện....

Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ tại Phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng 26/1/2021
Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ tại Phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng 26/1/2021

Các báo cáo đã được chắt lọc, tiếp thu những ý kiến hợp lý, xác đáng để đưa vào dự thảo Văn kiện. Các Tiểu ban đã tiến hành 20 phiên họp để thảo luận, thông qua Đề cương và các dự thảo Văn kiện; Bộ Chính trị đã họp nhiều lần để cho ý kiến hoàn thiện Đề cương và các dự thảo Văn kiện trình xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương tại các Hội nghị Trung ương 10,11,14 và 15. 

Các báo cáo đã được sửa nhiều lần, riêng báo cáo Chính trị được sửa 30 lần, được công bố công khai toàn văn để lắng nghe ý kiến rộng rãi của Nhân dân. Đã có hàng triệu lượt ý kiến đóng góp cho Văn kiện và được tổng hợp để gửi về Trung ương. 

“Trong quá trình soạn thảo, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, đảm bảo tiến độ, cập nhật thay đổi tình hình, nhất là đại dịch Covid-19; đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có 3 bài viết, và một số bài phát biểu - được đánh giá là rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc soạn các Văn kiện trình Đại hội XIII”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết.

Thế và lực của đất nước được nâng lên tầm cao mới

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, 5 năm qua, nắm bắt thời cơ, thuận lợi; vượt qua thách thức, khó khăn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Kinh tế duy trì tăng trưởng 5,9%. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt những kết quả quan trọng. Các lĩnh vực khoa học, giáo dục, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng đại biểu dự Lễ khai mạc Đại hội XIII
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng đại biểu dự Lễ khai mạc Đại hội XIII

Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng đặc biệt chú trọng. Công tác phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn.

Theo Tổng Bí thư, trước tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng và phức tạp, chúng ta đã chủ động củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh, chủ động xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ. An ninh, trật tự được giữ vững. Hoạt động đối ngoại đi vào chiều sâu, giữ vững được độc lập, tự chủ, môi trường hoà bình, ổn định để phát triển; thế và lực của đất nước ngày càng được đánh giá cao trên trường quốc tế. 

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 tác động mạnh, gây nhiều thiệt hại kinh tế xã hội, nhưng với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc, đất nước ta đạt được thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Trong khi kinh tế thế giới suy thoái tăng trưởng gần 4% thì kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 2,9%, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.

Phát huy đại đoàn kết dân tộc, tính ưu việt của XHCN, điều hành quyết liệt của Chính phủ, đồng tình hưởng ứng của Nhân dân, chúng ta kịp thời khống chế, cơ bản kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong cộng đồng, hạn chế tối đa thiệt hại, tổn thất, từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, hoàn thành mức cao nhất mục tiêu 2020. Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu kép: vừa ngăn chặn đại dịch covid -19, vừa khôi phục kinh tế, đảm bảo an toàn và nâng cao đời sống cho người dân.

Theo Tổng Bí thư: Đạt được những kết quả nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là ý chí, quyết tâm cao, nỗ lực đoàn kết chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta...

Qua 35 năm tiến hành đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về con đường đi lên CNXH của chúng ta ngày càng hoàn thiện và được hiện thực hoá.

“Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể nói rằng đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế quốc tế như hiện nay”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Những bài học kinh nghiệm

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, có 5 bài học có thể rút ra: Thứ nhất là, chú trọng đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác cán bộ phải thực sự là "then chốt của then chốt", tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

Thứ hai, trong mọi vấn đề phải quán triệt quan điểm "dân là gốc", kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân làm, dân kiểm tra", Nhân dân là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, thắt chặt quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ Xã hội chủ nghĩa. 

Ba là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực; có bước đi phù hợp, phát huy mọi nguồn lực, động lực và tính ưu việt của chế độ XHCN; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn liền với phát huy sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống chính trị;…

Bốn là, tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hoà giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hoá, xã hội; giữa tuân theo quy luật thị trường và đảm bảo định hướng XHCN; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ với tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; thực sự coi trọng, phát huy hiệu quả vai trò của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước.

Năm là, chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng, đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ; phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp sức mạnh của thời đại; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

"5 bài học kinh nghiệm nêu trên là cơ sở quan trọng để tiếp tục vận dụng, phát huy và sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thách thức mới và nhiệm vụ nặng nề khi bước vào nhiệm kỳ khóa XIII", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Đại hội thảo luận về 5 bài học này.

Nỗ lực hơn để đưa đất nước tiếp tục phát triển lên tầm cao mới

Theo Tổng Bí thư, dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng nước ta còn nhiều thách thức và hạn chế. Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao. Kinh tế tập thể, hợp tác xã quy mô nhỏ, năng lực yếu, doanh nghiệp nhà nước hiệu quả còn thấp… 

Môi trường còn gây bức xúc xã hội. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá. Năng lực tổ chức thực hiện còn hạn chế. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng, đảng viên chưa ngang tầm nhiệm vụ. Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao... Những hạn chế đó đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt hơn nữa để khắc phục cho bằng được, tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, mất cảnh giác.

Các đại biểu tham dự Đại hội XIII của Đảng
Các đại biểu tham dự Đại hội XIII của Đảng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, quan điểm chỉ đạo là đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, trong đó, phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với Nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Với một đảng được Nhân dân hết lòng tin yêu, vượt qua mọi thách thức, không thế lực nào ngăn cản nổi, dân tộc đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong xây dựng đất nước.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ khóa XIII là nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ Xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.



Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.