Đến các địa phương miền núi ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh bây giờ, thay đổi dễ nhận thấy nhất là nhà ở của người dân ngày càng khang trang hơn. Giữa bạt ngàn những vùng cây ăn trái nơi miền non cao là những căn nhà bề thế, trong đó có không ít nhà của các hộ ĐBDTTS đã được xây dựng sau những vụ mùa bội thu. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng khu vực miền núi cũng được đầu tư khá đồng bộ. Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh đều có đường ô tô đến trung tâm xã; các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, thông tin liên lạc thông suốt...
Có được diện mạo tích cực đó ngoài việc các địa phương miền núi của Khánh Hòa được đầu tư nhiều chương trình, dự án, chính sách trên các lĩnh vực thì các địa phương đã chủ động phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Tỉnh Khánh Hòa đặt ra mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng hơn 2 lần so với năm 2020 (hơn 28 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm 4-5%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% số trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; 35% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, có 70% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù miền núi; đảm bảo đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS…
Điển hình như tại Khánh Sơn, một huyện miền núi phía Tây Nam tỉnh Khánh Hòa, với diện tích hơn 330 km2 nhưng chỉ có khoảng 27.000 dân (gần 2/3 dân số là người đồng bào dân tộc thiểu). Nhiều năm trước, đời sống người dân trong huyện hết sức khó khăn vì phụ thuộc vào nương rẫy với các loại cây trồng chống đói, giá trị thấp.
Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua Khánh Sơn đã tập trung phát triển nhiều loại cây ăn quả chất lượng cao, nhằm phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống người. Trong đó, cây sầu riêng được xem là cây chủ lực và đang được nông dân đầu tư theo hướng nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ để từng bước hình thành chuỗi liên kết nông sản từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Thông qua chuyển đổi các vườn tạp, diện tích cây sầu riêng ở Khánh Sơn tăng nhanh. Hiện Khánh Sơn có hơn 2.500 ha với khoảng 1.200 ha sầu riêng cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 15.000 tấn, mang lại cả nghìn tỷ đồng cho người dân. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã chuyển sang mô hình canh tác hữu cơ.
Hiện Khánh Sớn có khoảng 450 ha sầu riêng VietGap và đã có 4 mã số vùng trồng được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp phép. Ngoài ra còn 22 mã vùng trồng sầu riêng đã đăng ký. Trong đó, 6 mã vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khánh Hòa kiểm tra trực tuyến.
Còn tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, với thế mạnh rừng - thác - suối - hồ, huyện Khánh Vĩnh có nhiều cơ hội phát triển tiềm năng du lịch sinh thái trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Theo đó, để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện các nhiệm vụ như: Tổ chức thực hiện quy hoạch và các dự án du lịch; đầu tư kết nối hạ tầng, đặc biệt là đường tới Suối Máu - Đá Dài, suối khoáng nóng Khánh Thành; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và liên kết các điểm du lịch; bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống; quảng bá xúc tiến du lịch; xây dựng nguồn nhân lực; hợp tác, liên kết, mở rộng và phát triển du lịch sinh thái, tham quan vườn cây ăn trái, nghỉ dưỡng và gắn kết tuyên truyền, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số bản địa.
Ngoài các điểm du lịch nổi tiếng đã hoạt động như: Công viên Du lịch Yang Bay (xã Khánh Phú); suối Lách (xã Giang Ly); khu suối khoáng nóng Nhân Tâm 2 (xã Khánh Hiệp)..., các địa điểm như: Suối Mấu (xã Khánh Thượng), suối nước nóng (xã Khánh Thành), thác Ziông (xã Khánh Trung), thác Salawen (xã Khánh Hiệp)... cũng có tiềm năng phát triển du lịch.
Theo ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyên Khánh Vĩnh, trong định hướng phát triển du lịch sinh thái - văn hoá, gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, thăm quan vườn cây ăn trái Khánh Vĩnh xác định đây là loại hình du lịch chủ yếu của huyện tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, từng bước phát triển du lịch sinh thái gắn liền với sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân địa phương về mọi mặt. Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh của Khánh Vĩnh, tháng 8/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Khánh Vĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Khánh Vĩnh được xác định vùng kinh tế động lực, vùng đô thị hóa tập trung, vùng phát triển du lịch, vùng phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, vùng sinh thái... theo hướng cân bằng và bền vững. Đồng thời, theo Quy hoạch được phê duyệt, huyện Khánh Vĩnh sẽ là trung tâm du lịch và văn hóa - sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, trong đó cần bảo tồn đa dạng sinh học rừng…
Có thể thấy nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương tỉnh Khánh Hòa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nhiều nguồn lực nhằm triển khai các chính sách hỗ trợ, giải pháp đồng bộ để đầu tư, đổi mới và phát triển diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thông qua các chương trình, dự án, chính sách, trong sản xuất và đời sống, từ tập quán sản xuất lạc hậu, độc canh, đến nay, cơ bản người dân vùng dân tộc thiểu số ở các xã, bản đặc biệt khó khăn đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi; nhiều hộ đã chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Ông Võ Nam Thắng- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa cho biết: Trên cơ sở đó, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Khánh Hòa đã đề ra các giải pháp cụ thể như: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, không dàn trải, tập trung cho các xã, thôn khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các xã, thôn đăng ký thoát khỏi thôn, xã đặc biệt khó khăn; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị có nhiều hộ đồng bào DTTS tham gia; phát triển kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, trọng tâm là 9 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các khoản đầu tư được tập trung sử dụng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch…
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã và đang nỗ lực triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các địa phương vùng DTTS, miền núi. Từ đó đưa Khánh Hòa trở thành tỉnh phát triển của khu vực, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.