Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

HTX của người phụ nữ 17 tuổi mới cắp sách đến trường

PV - 14:30, 29/10/2018

Sinh ra và lớn lên ở xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, do gia đình khó khăn nên mãi đến năm 17 tuổi, chị Vàng Thị Cầu, dân tộc Mông (năm nay 45 tuổi) mới bắt đầu học… lớp 1. Nhưng bằng quyết tâm vượt khó, chị đã theo học hết cấp III và trở thành cô giáo mầm non. Đặc biệt hơn với ý tưởng khôi phục và phát huy nghề dệt lanh của người Mông, chị Cầu đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Lanh Trắng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

HTX Lanh Trắng

Chị Vàng Thị Cầu tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã biết giúp mẹ se lanh, dệt vải, làm váy áo truyền thống để mặc như bao cô gái khác. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, hình ảnh các cô gái mặc váy Mông đang ít dần, họ chọn cho mình những chiếc váy pha trộn nhiều sắc màu hơn, được may công nghiệp. Cùng với đó, là số lượng người biết dệt và thêu váy Mông truyền thống giảm đi, khiến những chiếc váy truyền thống của người Mông dần bị phai nhòa. Nhận thấy điều này, tôi đã mở HTX dệt lanh kết hợp dạy nghề cho các chị em, nhằm khôi phục lại vẻ đẹp của chiếc váy Mông truyền thống cũng như sản xuất những sản phẩm từ cây lanh...”.

Chị Vàng Thị Cầu (đứng thứ 2 từ trái sang) Giám đốc HTX Lanh Trắng đang hướng dẫn chị em người Mông dệt lanh. Chị Vàng Thị Cầu (đứng thứ 2 từ trái sang) Giám đốc HTX Lanh Trắng đang hướng dẫn chị em người Mông dệt lanh.

HTX Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Lanh Trắng của chị Cầu được thành lập hơn 2 năm qua, tại thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn. Tại đây, bước đầu chị Cầu phải mở lớp dạy nghề dệt, thêu, nhuộm vải, làm trang phục Mông và các sản phẩm từ lanh cho các chị em là các thành viên HTX. Nhờ sự năng động tìm kiếm thị trường, cộng với du lịch ở huyện Đồng Văn phát triển, khi đã có những thợ lành nghề, chị Cầu bắt đầu sản xuất các sản phẩm để bán và dần mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, HTX của chị đã có hơn 20 thành viên với mức thu nhập bình quân từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.

Dạy nghề gắn với tạo việc làm

Để có được những sản phẩm đẹp, không chỉ phục vụ nhu cầu của phụ nữ địa phương mà còn bán cho du khách, chị Cầu đã không ngừng tìm tòi, học hỏi về cách dệt và pha màu, cải tạo các sản phẩm từ lanh ở nhiều nơi như Lạng Sơn, Cao Bằng, Nghệ An... rồi thử nghiệm và tạo nên những nét mới trong sản phẩm. Từ 7 màu cơ bản nay chị đã nhuộm được 20 màu khác nhau; mở rộng được khung dệt, thử nghiệm pha tơ với sợi lanh tạo nên sản phẩm vải lanh rộng và mượt hơn; các họa tiết được biến tấu không còn thô sơ, cứng nhắc mà mềm mại, uyển chuyển hơn...

Từ sự tận tâm trong công việc của chị Cầu, đã tiếp lửa, giúp cho nhiều chị em phụ nữ Mông vốn xưa nay thường nhút nhát, mạnh dạn tham gia HTX, tham gia học nghề và có công ăn, việc làm.

Chị Sùng Thị Si, một thành viên của HTX kể: “Khi mới vào chưa biết làm nên tôi còn rất e ngại vì công việc phải tiếp xúc với nhiều người, đôi khi là cả khách nước ngoài nữa. Nhưng sau khi có sự chỉ bảo của chị Cầu, tay nghề của tôi và nhiều chị em trong HTX cũng dần tăng lên. Hiện nay tôi thêu đã khá thành thạo, học được cách nhuộm vải, được tiếp xúc với khách hàng cũng khiến mình bạo dạn hơn. Nếu so với trước đây, quanh năm chỉ làm nương, cái ăn không đủ, thì nay bằng đôi tay của mình mỗi tháng cũng kiếm được 4 -5 triệu đồng...”.

Hội nhập

Không chỉ làm ra những bộ trang phục giữ nguyên nét truyền thống, HTX của chị Cầu còn làm ra nhiều sản phẩm phong phú từ lanh như: Túi, mũ, quần, áo, vỏ gối, vỏ chăn... do đó được thị trường khá ưa chuộng. Sản phẩm của HTX được bày bán rộng rãi tại các điểm như: Nhà Vương, phố cổ Đồng Văn, phố cổ Hà Nội và cung cấp cho khách hàng từ Ai Cập, Pháp; sản phẩm của chị còn được vinh dự trưng bày tại một số sự kiện của Liên Hợp quốc... Từ đó, giúp cho hoạt động của HTX Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Lanh Trắng làm ăn hiệu quả và ngày càng mở rộng vùng sản xuất tại một số xã ở huyện Đồng Văn, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động.

Một tin vui, ý tưởng khôi phục nghề dệt lanh và sản xuất trang phục Mông của chị Cầu đã được lọt vào Top 20 ý tưởng xuất sắc tại vòng Chung kết Cuộc thi Ngày phụ nữ Sáng tạo năm 2018, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Đây không chỉ là niềm vui của chị Vàng Thị Cầu mà còn là niềm tự hào của người dân ở miền Cao nguyên đá Đồng Văn.

HUY TOÁN

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.