Điều 72 Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020 quy định, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: Có bằng tốt nghiệp CĐSP trở lên đối với giáo viên mầm non, có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Thế nên, nguồn tuyển sinh chính của trường CĐSP trước đây, bị cắt chuyển hẳn cho các trường ĐHSP. Điều đáng nói, hầu hết các trường ĐHSP chưa có nhiều kinh nghiệm đào tạo loại hình giáo viên này.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2019, cả nước có 154 cơ sở đào tạo giáo viên. Gồm, 15 trường ĐHSP, 48 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên, 30 trường CĐSP, 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên, 2 trường trung cấp sư phạm và 40 trường trung cấp đa ngành đang đào tạo giáo viên mầm non. Do tính chất đặc trưng của ngành đào tạo nên hệ thống trường sư phạm địa phương sẽ rất khó tìm được cách giải quyết bài toán về nguồn lực này.
Minh chứng như ở Gia Lai, không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, các giảng viên Trường CĐSP Gia Lai buộc phải đi “biệt phái” làm công tác giảng dạy tại vùng sâu, vùng xa. Một số thầy, cô giáo khác phải thuyên chuyển qua làm công tác văn thư, hành chính. Năm nay, trường có hơn 30 giảng viên trong đợt đi “biệt phái” giảng dạy.
Không có sinh viên theo học ngành Sư phạm, lãng phí nguồn nhân lực, mà hệ thống cơ sở vật chất không được tận dụng, gây ra lãng phí không phải câu chuyện của riêng tỉnh Gia Lai.
Đặc biệt, quy định mới còn khiến cho hàng chục nghìn giáo viên trên cả nước đang đứng ngồi không yên vì… không có bằng sư phạm. Bên cạnh đó, đang có hàng loạt sinh viên đang theo học CĐSP năm 2, năm 3 đối với các chuyên ngành đào tạo giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở chưa ra trường… tương lai các em sẽ đi về đâu? Bởi, khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, thì các nhà tuyển dụng cũng phải căn cứ vào chuẩn đào tạo để tuyển dụng.
Nhiều thành viên trong Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đang dự báo rằng, nguy cơ đóng cửa hoàn toàn hệ thống trường sư phạm địa phương (một hệ thống sư phạm đã được xây dựng và tồn tại từ gần 60 năm qua) là rõ ràng.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2019, cả nước có 154 cơ sở đào tạo giáo viên. Gồm, 15 trường ĐHSP, 48 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên, 30 trường CĐSP, 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên, 2 trường trung cấp sư phạm và 40 trường trung cấp đa ngành đang đào tạo giáo viên mầm non.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) nêu, ở một số địa phương, trường CĐSP sau khi đã teo tóp do bị cắt giảm nhiệm vụ (chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non), có khả năng trở thành một khoa trong trường dạy nghề, chịu sự điều chỉnh theo hướng “nghề hóa” như chỉ đạo hiện nay của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Tuy nhiên, từ định hướng quy hoạch hệ thống trường sư phạm của Bộ GD&ĐT nên một số trường CĐSP địa phương đã được sáp nhập vào các trường ĐHSP trọng điểm quốc gia. Đây là một sự gán ghép khiên cưỡng giữa các trường khác nhau, gây thiệt thòi lớn cho những trường địa phương do hai loại trường này có sứ mệnh khác nhau, chuẩn mực kiểm định khác nhau, cơ cấu trình độ nhân lực khác nhau.