Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gian nan Nặm Tốc

PV - 15:51, 09/01/2019

Thôn Nặm Tốc của xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn được biết đến là thôn xa và khó khăn nhất của xã. Thôn có hơn 40 hộ với 214 nhân khẩu, 100% là đồng bào Dao sinh sống trong điều kiện không điện, không đường bê tông, không sóng điện thoại… Thật khó hình dung, chỉ cách trung tâm TP. Bắc Kạn chưa đầy 25km lại có một thôn heo hút và khó khăn đến vậy.

Nặm Tốc Học sinh điểm trường Nặm Tốc.

Lên Nặm Tốc, chúng tôi được trải nghiệm những cung đường ngoắt ngoéo, lổn nhổn đá, gian nan như một cuộc leo núi thực sự của những dân chơi thể thao mạo hiểm. Cảm giác căng cứng tay chân do ghì lái đến ngày hôm sau vẫn còn âm ỉ. Chị Hoàng Thị Huệ, một giáo viên mầm non mới lên dạy trên này tâm sự, ngày nắng còn dễ đi chứ ngày mưa thì sợ lắm. Cũng may trước đây chị từng công tác ở tỉnh Hà Giang nên đã được tôi luyện ít nhiều.

Chúng tôi lên Nặm Tốc vào ngày nắng đẹp, nhưng trước đó là những trận mưa kéo dài, đường sạt, nhiều chỗ chỉ đủ cho xe máy lách qua. Đường dẫn lên Nặm Tốc, dưới là vực sâu, trên là núi cao nên mỗi khi đi qua những đoạn đường cheo leo này, cảm giác như đang chơi trò đi trên dây vậy. Người dân Nặm Tốc không còn lựa chọn nào khác đành cắn răng mà đi, giáo viên cắm bản thì cũng vì tâm vì nghề mà phải dấn bước.

Thôn Nặm Tốc có 42 hộ, với 214 nhân khẩu, đồng bào nơi đây 100% là người Dao di cư từ tỉnh Cao Bằng xuống đầu những năm 90 của thế kỷ trước và sống chủ yếu dựa vào rừng. Triệu Văn Sếnh, người gốc Nguyên Bình, Cao Bằng di cư xuống Nặm Tốc từ năm 1996 chia sẻ, khó khăn thì nhiều nhưng ở mãi cũng quen, với lại cũng chẳng làm khác được, đồng bào không có tiền, mà đoạn đường khó thì dài lắm, phải đợi Nhà nước thôi. Sếnh sinh năm 1980 nhưng đã thành bố vợ. Sếnh cười bảo: “Có hai đứa thôi, kế hoạch theo Nhà nước mà. Một đứa đi lấy chồng, nhà neo người nên đẻ thêm thằng cu này”.

Nặm Tốc Anh Triệu Văn Sếnh chia sẻ những khó khăn của người dân nghèo trong bản.

Con Sếnh mập, khỏe, trắng, đẹp. Mà trẻ con Nặm Tốc đứa nào cũng vậy, có lẽ bởi sinh ra ở vùng khó nên buộc phải vậy mà cứng cáp để leo dốc leo đồi để chinh phục những cung đường ngoắt ngoéo đá nhiều hơn đất mà bố mẹ chúng vẫn thon thót mỗi khi có việc phải xuống núi. Mẹ vợ Sếnh, bà Triệu Thị Liều ngồi phía cầu thang của ngôi nhà sàn nghiêng tai nhẫn nại chỉnh cái cát-sét tậm tịt, những câu dân ca của người Dao rè rè phát ra khi được khi không. Sếnh bảo, ở đây nó thế, điện không, sóng điện thoại không, tivi cũng không nên ngoài cái đài tậm tịt theo thời tiết từng ngày thì chẳng biết ngoài kia đang có gì diễn ra. Bà con Nặm Tốc này thiếu thông tin lắm, bà con “khát điện” lâu lắm rồi…

Nhà Sếnh chỉ cách điểm trường Nặm Tốc vài bước chân, tiếng trẻ đọc bài vọng lên đều đều, có lẽ đó là niềm vui lớn nhất, phấn khởi nhất đối với những gia đình như Sếnh. Cái chữ đã lên bản, người Nặm Tốc sẽ sớm thoát nghèo nay mai. Rời nhà Sếnh, chúng tôi qua điểm trường, gặp một cậu trai dáng vẻ thư sinh đang loay hoay bắt sóng điện thoại, đó là Bế Văn Chuyên, một giáo viên của điểm trường Nặm Tốc. Chuyên bảo, nhiều khi có sóng rớt, nhưng hiếm hoi lắm mới bắt được. Chuyên đang có việc cần liên lạc mà chưa có tín hiệu gì… Hỏi thăm đường đến nhà Trưởng thôn Nặm Tốc, chúng tôi được người dân chỉ đi tiếp qua phía trên điểm trường rồi vào sâu bên trong. Đường lên nhà Trưởng thôn Bàn Văn Tuân là một lối mòn nhỏ, nhà Tuân khuất lấp sau những rậm rạp cây rừng. Tuân không có nhà, mẹ Tuân bảo, nó lên rừng kiếm măng chưa về.

Nặm Tốc Đường lên Nặm Tốc sau sạt lở.

Trở ra điểm trường Nặm Tốc, gần trưa thì Tuân đến, chúng tôi mới có dịp trò chuyện cùng anh. Tuân chia sẻ, 100% hộ trong thôn là hộ nghèo, đồng bào ở đây khó khăn đủ thứ, chủ yếu làm lúa và sống bám rừng, đất sản xuất nông nghiệp ít, địa hình lại dốc nên năng suất không đạt. “Khổ nhất là mỗi lần xay xát thóc, phải đi xuống tận trung tâm xã, gần 11km mới có. Ngày trước, bà con còn vượt núi sang tận bên huyện Chợ Đồn để xát thóc cơ. Cũng là vì điện lưới chưa về, năng suất ít, xát bằng máy đầu dầu thì hao thóc lắm”, Tuân cho biết thêm. Tuân trẻ khỏe, hăng hái và có uy tín nên rất được bà con yêu mến. Tuân cho biết, mới học xong lớp cảm tình Đảng đợt mấy hôm mưa vừa rồi, đi lại đã quen mà nhiều khi mưa gió, lở sạt cũng còn thấy sợ…

Trao đổi với chúng tôi, ông Lường Văn Vương, Bí thư Đảng ủy xã Đôn Phong cho biết, thôn Nặm Tốc rất khó khăn, xuất phát điểm thấp, lợi thế hầu như không có gì, lại là thôn xa nhất của xã. Còn con đường lên thôn và điện lưới về bản, chúng tôi đã đề đạt, đã có dự án nhưng chắc phải đến năm 2020 mới có. Về phát triển đảng viên, thôn Nặm Tốc hiện có 7 đảng viên và vẫn có thể phát triển thêm vì còn nguồn. Nhìn chung, đồng bào ở đây hòa đồng và tuân thủ Chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không có hiện tượng tin và đi theo các tổ chức bất hợp pháp. Chúng tôi cũng mong muốn Nặm Tốc sớm được cải thiện nhờ các chính sách của Đảng, đặc biệt là Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay đang được triển khai trên địa bàn tỉnh.

 CHIẾN THẮNG

Tin cùng chuyên mục
Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thì việc khai thác phát huy hiệu quả Dự án 7, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình..., đang được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An.