Trong kho tàng văn hóa truyền thống của người X’tiêng, cồng chiêng, tố, ché, xà lung là những báu vật quý. Trước đây, nhà nào có nhiều cồng chiêng, tố, ché, xà lung là người giàu có và có địa vị cao trong buôn sóc. Cùng với sự biến đổi của hình thức sản xuất lúa rẫy sang sản xuất các loại cây công nghiệp dài ngày, sự phát triển của đời sống, sự giao thoa văn hóa với các dân tộc khác; nhiều lễ hội và phong tục tập quán truyền thống của người X’tiêng bị mất đi và không gian dành cho cồng chiêng, cho môi trường để tố, ché, xà lung phát huy giá trị cũng dần bị mai một.
Trong điều kiện như vậy, nhưng già làng Điểu Đố đã giữ lại hơn 70 xà lung và tố quý trị giá hàng tỷ đồng, cùng với bộ chiêng hàng trăm tuổi trong căn nhà dài truyền thống với bếp lửa, kho lúa và chạn tre để ngủ đã vượt qua mọi giá trị vật chất đơn thuần tích lũy trong các hiện vật mà già có được.
Già làng Điểu Đố nay đã ngoài 90 tuổi, nhưng dáng người rất quắc thước và tinh thần còn rất minh mẫn. Trong những dịp có khách thăm quan hoặc lễ hội, già Điểu Đố vẫn đeo những trang sức quý của người X’tiêng như: ngà voi căng tai, chuỗi hạt cườm, dải băng đỏ buộc trên đầu, búi tóc bằng lông nhíp và trang điểm thêm bằng lông chim chèo bẻo, già Điểu Đố còn khoác lên mình chiếc áo thổ cẩm và đóng khố theo đúng truyền thống của người X’tiêng.
Già đi chân không, khoác trên vai một cây xà gạt, tay cầm một cây lao, đôi khi là một cái nỏ và bao giờ con dao côi cũng được giắt bên hông. Trong trang phục truyền thống nhìn già như một dũng sĩ của núi rừng… Chỉ cần như vậy đã đủ thấy già Điểu Đố yêu và bảo vệ văn hóa truyền thống của dân tộc mình như thế nào.
Điều trân trọng ở già làng Điểu Đố là, dù có khó khăn đến đâu già không bao giờ bán đi những cái xà lung hàng trăm năm tuổi, những chiếc tố rồng, tố có đắp nổi hình cóc trị giá hàng chục triệu đồng. Già Điểu Đố chia sẻ: Nhiều gia đình X’tiêng có nhiều rẫy điều, nhiều rẫy cao su trở nên giàu có, nhưng khi lấy vợ cho con, nhà gái đòi tố, xà lung quý không có, phải tìm đến để mua nhưng ông cũng chỉ bán những loại thường, còn loại quý ông nhất định không bán; đôi khi bán đi rồi, hai nhà làm lễ xong mà nghe muốn bán lại thì ông lại tìm mua vì sợ tố, xà lung quý không còn trong cộng đồng của ông nữa. Nhiều thương lái người Hoa, người Kinh tìm mua trả giá cao, ông nhất định không bán vì sợ họ sẽ mang đi mất mà sau này không mua lại được. Khi chúng tôi hỏi vậy già giữ để làm gì? Già Điểu Đố trả lời đơn giản rằng “truyền thống thì phải giữ thôi”.
Già Điểu Đố chia sẻ: Già vận động con cháu thành lập câu lạc bộ văn nghệ để dạy chúng biết đánh cồng chiêng, kể chuyện sử thi, dệt áo, đan gùi lên rẫy. Bởi đó là phần hồn của dân tộc và là báu vật của cha ông để lại. Ban đầu bọn trẻ nghe vui tai mà tìm đến, được người lớn dạy lại các động tác đánh cồng chiêng, múa, hát rồi gắn bó với câu lạc bộ tới giờ. Đặc biệt, từ khi Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc X’tiêng sóc Bom Bo được xây dựng, câu lạc bộ cồng chiêng do già Điểu Đố truyền dạy đã được chọn để biểu diễn phục vụ du khách đến thăm quan Khu Bảo tồn và từng đi biểu diễn ở nhiều nơi, với không ít giải thưởng ở các thể loại như khôi phục lễ hội truyền thống, múa dân gian, hát dân ca, đánh cồng chiêng… Gia đình già Điểu Đố còn được UBND huyện, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có nhiều thành tích đóng góp, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong cuộc sống thường ngày, già Điểu Đố luôn giữ vai trò hòa giải, cầu nối giữa chính quyền với người dân để tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi khi dân làng có xích mích, nhờ tiếng nói của già Điểu Đố, mọi chuyện đều được hòa giải thành công nên già luôn được bà con dân làng tin yêu.
Phát huy vai trò của già làng, Người có uy tín, già Điểu Đố còn tích cực vận động bà con trong buôn, sóc không để con em mình bỏ học, chịu khó tìm tòi tiếp thu những kinh nghiệm sản xuất mới để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống mới; xóa bỏ những hủ tục, cùng nhau xây dựng buôn, sóc văn hóa…
Già vận động con cháu thành lập câu lạc bộ văn nghệ để dạy chúng biết đánh cồng chiêng, kể chuyện sử thi, dệt áo, đan gùi lên rẫy. Bởi đó là phần hồn của dân tộc và là báu vật của cha ông để lại. Ban đầu bọn trẻ nghe vui tai mà tìm đến, được người lớn dạy lại các động tác đánh cồng chiêng, múa, hát rồi gắn bó với câu lạc bộ tới giờ. Già làng Điểu Đố, ở sóc Bù Môn, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng (Bình Phước).
BẰNG GIANG