Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gia Lai: Bao giờ mới chấm dứt nạn phá rừng làm rẫy

PV - 09:45, 17/04/2019

Mặc dù, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp từ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến răn đe cảnh cáo. Thế nhưng, thời gian vừa qua, tình trạng phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn liên tục diễn ra với diễn biến hết sức phức tạp.

Ồ ạt phá rừng

Mới đây, Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang phối hợp cùng Công an huyện và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kông Chiêng (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) kiểm tra tại khu vực thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kông Chiêng quản lý. Kết quả đo đạc xác định, có gần 0,6ha rừng bị lấn chiếm tại hai vị trí khác nhau với gần 80 cây gỗ các loại bị chặt hạ, đốt để lấy tro trồng cây.

Ông Văn Hải Hội, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kông Chiêng chia sẻ, đồng bào DTTS tại địa phương có tập tục, vào đầu mùa khô sẽ tiến hành phá rừng để chuẩn bị phục vụ cho mùa làm nương rẫy vào mùa mưa kế tiếp. Vì vậy, thời gian qua nhiều người cố tình vào phần đất rừng của lâm trường tiến hành đốt rừng làm nương rẫy gây khó khăn cho công tác quản lý.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra khu vực rừng ở Mang Yang. Lực lượng kiểm lâm tuần tra khu vực rừng ở Mang Yang.

Tại huyện Chư Prông, tình hình này cũng diễn ra rất phức tạp. Cuối tháng 2 vừa qua, Đội Kiểm lâm đặc nhiệm kiểm tra tại một số khu vực trên địa bàn xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, phát hiện 7 vị trí rừng bị chặt hạ với tổng diện tích hơn 7,3ha. Trong đó, có 5 vị trí thuộc lâm phần do UBND xã Ia Mơ quản lý (hơn 6,6ha) và 2 vị trí thuộc lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur quản lý.

Sau đó, lực lượng chức năng đã bắt giữ hai đối tượng Kpăh Hloi và Siu Biên (cùng trú tại xã Ia Biơr, huyện Chư Prông). Bước đầu, những người này đã thừa nhận hành vi phá rừng làm nương rẫy. Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông cũng đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Viện kiểm sát để truy tố và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo ông Rơ Lan Chim, Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, người dân thường lợi dụng ban đêm để lén lút phát dọn, cơi nới mở rộng diện tích nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, từ đầu mùa khô đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và chủ động đi tuần tra phát hiện nhiều vụ người dân vào đốt rừng làm nương rẫy. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các huyện nhưng thường lẻ tẻ, tự phát ở những vùng sâu, vùng xa rất phó phát hiện xử lý.

Cần có chính sách ổn định lâu dài

Theo ông Nguyễn Nhĩ, đa số những người phá rừng làm nương rẫy không có công ăn việc làm thường xuyên, phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ, chủ yếu là vào mùa mưa. Việc sản xuất nông nghiệp của họ khá thô sơ, kỹ thuật canh tác thấp, nên hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập cũng theo mùa và khá thấp, không ổn định nên không đủ chi phí sinh hoạt. Chính điều đó đẩy một số hộ dân phá rừng để lấy thêm đất sản xuất.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, phong tục tập quán của người dân bản địa là, khi con cái lớn, lập gia đình và tách hộ sẽ đi cùng với đất sản xuất. Những gia đình không đủ đất, hoặc sau khi chia lại cho con dẫn đến thiếu đất sản xuất sẽ tiếp tục lên rừng để phá rừng, lấy đất sản xuất. Bên cạnh đó, một số đối tượng cũng có nhu cầu mua bán đất cho người khác để lấy tiền trang trải chi phí sinh hoạt, sau đó lại tiếp tục phá rừng làm rẫy.

Một lý do khác khiến quản lý và bảo vệ rừng tại Gia Lai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đó là về nhân lực. Theo quy định, mỗi một kiểm lâm viên địa bàn sẽ quản lý nhiều nhất 1.000ha rừng, thế nhưng tại Gia Lai, con số này là 3.600ha/cán bộ kiểm lâm. Cá biệt, tại xã Ia Tul, huyện Ia Pa, chỉ có 2 kiểm lâm viên địa bàn để quản lý và bảo vệ 24.000ha rừng; trong đó, nếu giao về cho các địa phương thì các xã không phải là đơn vị chuyên trách trong vấn đề bảo vệ rừng nên cần phải có kinh phí.

Ông Nguyễn Nhĩ nhấn mạnh: Về cơ bản, lực lượng sẽ vẫn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không phá rừng làm nương rẫy, đồng thời thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát để phát hiện sớm các vụ phá rừng.

Tuy nhiên, muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này, chúng ta cần phải nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là người đồng bào DTTS tại các địa phương. Quan trọng hơn, cần phải tạo công ăn việc làm ổn định, tăng năng suất lao động, sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập. Muốn làm được việc này, cần có nhiều thời gian, những chính sách phù hợp cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

BẢO TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.