Nhắc đến già K’Bông, ông Hoàng Quốc Hòa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Sơn bảo rằng: Hơn 10 năm làm công tác an ninh thôn lại là người tâm huyết với các hoạt động ở thôn, nên già K’Bông nắm rõ từng nóc nhà không chỉ ở buôn Đạ Đờn của ông mà cả ở buôn Ya Lu. Mỗi khi xã có việc ở thôn, già K’Bông luôn là người không thể vắng mặt. Việc lớn, việc nhỏ, cán bộ xã đều tham khảo ý kiến của già làng và thông qua tiếng nói uy tín của già làng để có được sự ủng hộ của bà con trong thôn. Già K’Bông là cầu nối để chính quyền địa phương và bà con Nhân dân đồng thuận trong thực hiện tất cả các nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Và đúng như nhận định của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, trong các cuộc họp của thôn, sau nội dung phổ biến của lãnh đạo thôn, già K’Bông sẽ sử dụng ngôn ngữ của mình để truyền tải một lần nữa các nội dung đến bà con. Và ngược lại, thông qua già làng, bà con cũng gửi gắm những nguyện vọng của mình.
Nhận thức rõ giá trị của việc học - con đường ngắn nhất và bền vững nhất để thoát nghèo, để buôn làng ngày càng phát triển, già làng K’Bông luôn nặng lòng với việc vận động con em tới lớp. Già K’Bông bảo: “Học sinh hộ nghèo có Nhà nước hỗ trợ, nhưng bà con cũng phải góp sức vào chứ Nhà nước sao lo hết được. Mình không cố gắng thì ai muốn giúp mình nữa”.
Và để chứng minh, già động viên con cháu chăm lo học hành để có tri thức, có công ăn việc làm, biết ghép cà phê tăng năng suất. Nói được, làm được, con cái gia đình già K’Bông được học hành đầy đủ. Có người học hết phổ thông, có người tốt nghiệp đại học và quay trở về công tác ở thôn hay làm cán bộ trường học. Và giờ đây các cháu của già K’Bông cũng đến trường đầy đủ. Gia đình già là gia đình hiếu học tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS ở xã Phú Sơn.