Đột phá đa chiều
Năm 2018 là một năm đầy biến động nhưng tăng trưởng kinh tế (GDP) vẫn đạt nhiều kết quả khả quan; 12/12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2018 theo nghị quyết của Quốc hội đã được hoàn thành và hoàn thành vượt mức; trong đó 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Đặc biệt, GDP năm 2018 đạt 7,08%, là mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đầy (2008-2018). Quy mô nền kinh tế năm 2018 theo giá hiện hành đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.
Tính chung cả giai đoạn 2016-2018, kinh tế nước ta vẫn bảo đảm được đà tăng trưởng ổn định. Theo đó, năm 2016, GDP của nước ta đạt 6,21%; năm 2017 đạt 6,81%; năm 2018 đạt 7,08%. Đặc biệt, ổn định kinh tế vĩ mô là điểm sáng rõ nét trong 3 năm qua; lạm phát được duy trì ổn định ở mức dưới 4%. Đây là thành công của Chính phủ, tác động chủ yếu do điều chỉnh giá dịch vụ công.
Trong sự phát triển chung của đất nước, vùng DTTS và miền núi cũng đã đạt những kết quả tích cực trên tất cả mọi lĩnh vực. Tính đến hết năm 2018, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40%; có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo, 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo, 34 xã đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo Chương trình 135. Trong xây dựng nông thôn mới, đã có 1.052/5.226 xã vùng DTTS, miền núi được công nhận đạt chuẩn.
Vững đà tăng trưởng
Năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với những kết quả đạt được trong năm 2018 và sự ổn định trong 3 năm qua (2016-2018), các tổ chức kinh tế cũng như các chuyên gia đều nhận định, năm 2019 và cả năm 2020, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia được đưa ra tại Hội thảo “Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018” thì năm 2019, tăng trưởng của Việt Nam vẫn có khả năng đạt 7%. Chính phủ vẫn kiên trì với mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, với việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại của nước ta.
Còn theo tính toán của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tăng trưởng khu vực tư nhân, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động, tích cực thực hiện các hiệp định thương mại tự do thì tốc độ tăng trưởng có thể đạt khoảng 6,9%-7,1%.
Đối với vùng DTTS và miền núi, năm 2019 cũng được kỳ vọng sẽ có nhiều đột phá. Trong năm 2019, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tổng kết, nghiên cứu tích hợp hệ thống chính sách hiện hành cho vùng DTTS và miền núi; tập trung chỉ đạo và bảo đảm nguồn lực, khắc phục phân tán, chồng chéo, kém hiệu quả (Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 của Chính phủ). Cũng trong năm 2019, việc xây dựng đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK theo hướng tích hợp các chính sách, giải pháp nhằm phát triển nhanh, bền vững hơn vùng đồng bào DTTS và miền núi vào chương trình công tác của Chính phủ.
Nhận diện thách thức
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm 0,2 điểm % dự báo triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2018 và 2019, xuống còn 3,7%. Điều này cho thấy kinh tế thế giới 2018 đã không thực sự thuận lợi như kỳ vọng trước đó và năm 2019 có khả năng cũng như vậy. Thương mại thế giới đang đứng trước nhiều thử thách lớn, trong đó có sự nổi lên của tư tưởng bảo hộ, chiến tranh thương mại, nguy cơ xói mòn niềm tin vào hệ thống thương mại tự do.
“Tuy nhiên, với sự lạc quan của những người yêu toàn cầu hóa, đề cao những lợi ích của thương mại tự do, chúng ta vẫn luôn tìm thấy các cơ hội hợp tác rộng mở với dòng chảy chính vẫn là hòa bình, hợp tác và toàn cầu hóa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thực tế, năm 2019 và cả năm 2020, kinh tế Việt Nam phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới, thương mại quốc tế được dự báo sẽ suy giảm, giá cả hàng hóa quốc tế, đặc biệt là giá hàng nguyên liệu có xu hướng biến động. Một số nước lớn sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ và chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia, chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.
Nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn dự báo những triển vọng của kinh tế Việt Nam. Theo tính toán của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, năm 2019 sẽ có hai kịch bản cho kinh tế Việt Nam. Theo kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 6,84% và kịch bản thứ 2 sẽ là 7,02%. Năm 2020 tình hình khả quan hơn với dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ ở hai mức 7 và 7,2%.
Về động lực tăng trưởng cho các năm tới, các chuyên gia kinh tế xác lập 4 động lực, gồm: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân; cải cách thể chế, môi trường kinh doanh; khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động và tăng cường năng lực bộ máy Nhà nước. Việc xác lập và thúc đẩy các động lực tăng trưởng này là then chốt để đưa ra các giải pháp điều hành kinh tế phù hợp trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
SỸ HÀO